“Hiện trần lãi suất huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xê dịch khoảng 17 - 18%. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số lý thuyết. Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã phá rào lãi suất huy động vốn từ 15 - 19% và đương nhiên đầu ra của lãi suất hiện nay đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang rất khát vốn, cách nào để giải bài toán này?”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt vấn đề với các chuyên gia tài chính, ngân hàng tại Hội thảo Giải pháp vốn cho doanh nghiệp, diễn ra sáng 6/5 tại Hà Nội, do VCCI tổ chức.
Bảng niêm yết lãi suất huy động vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo TS Vũ Tiến Lộc, điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít các DNNVV cho biết, thủ tục các ngân hàng (NH) đặt ra là quá sức đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ thì cũng chỉ có từ 5 – 10% số DNNVV vay được vốn từ NH.
Theo TS Lộc, thị trường vốn còn những kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng rất hiệu quả như phát hành trái phiếu, cổ phần, cổ phiếu, áp dụng mô hình hợp tác “công - tư”... Các doanh nghiệp cần vốn nên tìm cách tiếp cận những kênh này.
Về thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường Trái phiếu (TP) Việt Nam gợi ý, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng bị siết chặt, thị trường chứng khoán gặp khó khăn thì việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là việc DN cần tận dụng lúc này. Lý do, thứ nhất, phát hành TP đảm bảo cho DN được sử dụng nguồn vốn linh hoạt và dài hạn (từ 2 – 20 năm). Thứ hai, huy động vốn bằng TP có lợi hơn so với các kênh khác. Đó là DN có thể huy động vốn với quy mô lớn do thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư, thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn của số ít tổ chức tín dụng. Việc giải ngân, sử dụng vốn cho phép DN linh hoạt hơn nhiều so với tín dụng (tín dụng NH giải ngân phụ thuộc vào khối lượng, tiến độ dự án). Thứ ba, so với kênh phát hành bằng cổ phiếu, DN không bị pha loãng quyền sở hữu, kiểm soát DN, chi phí phát hành rẻ hơn...
Về hình thức để DN phát hành TP thành công, theo các chuyên gia, yêu cầu trước hết là DN phải thực hiện công bố thông tin minh bạch và chính xác về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, kế hoạch và chiến lược cụ thể của DN trong tương lai. Các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao các DN đã có thông tin tín dụng/tín nhiệm trên thị trường. Mức độ minh bạch càng cao thì càng thu hút sự quan tâm và tham gia đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT). Khi các DN chưa quen với việc huy động vốn qua TP, cách nhanh nhất là thuê một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín trên thị trường phát hành. Vì một trong những yếu tố quan trọng để NĐT xem xét, quyết định đầu tư TP chính là định hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành.
Bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Phụ trách dịch vụ tư vấn kinh doanh Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, bên cạnh các kênh huy động vốn từ NH, TTCK, phát hành TP thì các DN nên quan tâm đến việc hợp tác công - tư. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71 về hợp tác công tư (PPP), đây là chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động mô hình hợp tác này. PPP là sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân được xây dựng trên cơ sở thế mạnh, khả năng chuyên môn, khả năng huy động vốn của nhau để phát triển. Ở các nước phát triển, các dự án đầu tư theo hình thức PPP được coi là hấp dẫn bởi rủi ro thấp vì có Nhà nước cung cấp các cam kết thể chế cho dự án, bảo lãnh và xúc tiến khả thi nhanh cho dự án. Theo bà Hải, PPP là một xu thế tất yếu để thu hút vốn của các NĐT nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư cũng như tranh thủ năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ của khu vực tư nhân để nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Theo TS Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nhân lực Viettinbank, trong bối cảnh hiện nay, kênh huy động vốn nào cũng gặp khó khăn, bên cạnh việc các DN nỗ lực huy động vốn qua các kênh khác thì NH cũng nên cố gắng cân đối để huy động vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất thấp hơn. Ví dụ, kết quả kinh doanh quý I/2011 cho thấy, trong khi hàng loạt DN báo cáo kết quả kinh doanh lỗ thì khối ngân hàng vẫn lãi. Do đó, nên chăng NH đang thu lợi nhuận 10 thì nay giảm xuống 5 để chia sẻ với DN. “NH phải hiểu rằng, nếu DN sống khỏe thì NH có lợi nhuận. Còn khi DN chết thì cuối cùng NH cũng sẽ chết theo!”, TS Mùi nói.
Xuân Hương