Nhờ sự gương mẫu đi đầu của những cụ ông, cụ bà có uy tín trong cộng đồng, mà bà con ở nhiều vùng quê đã có sự chuyển biến trong cách nghĩ cách làm.
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Dù đã về hưu mấy năm nhưng bà Đặng Thị Phúc, dân tộc Dao, 62 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐND xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai vẫn luôn là tấm gương đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bà Đặng Thị Phúc gương mẫu đi đầu hiến đất làm đường giao thông. |
Bà Đặng Thị Phúc cho hay: “Cái thời tôi còn làm chủ tịch Hội phụ nữ xã, đồng bào Dao ở Trì Quang còn sống trong hoàn cảnh khó khăn, kinh tế chậm phát triển, còn nhiều hủ tục lắm. Nhưng ngày nay đồng bào Dao ở Trì Quang đã đổi thay rất nhiều. Những thay đổi đó có được phần lớn là do thay đổi nhận thức của người dân.
Mình phải đổi nhận thức trước rồi những thứ khác mới khá lên được. Trước đây không có mấy chị em tham gia vào hội phụ nữ đâu, nhất là chị em người dân tộc. Ngày ấy, không quản nắng, mưa tôi cứ liên tục xuống từng thôn, bản vận động chị em, đến khi nào họ hiểu ra mới thôi”. Không phụ những vất vả của bà Phúc, từ đó đến nay, nhận thức của chị em đã được nâng lên rất nhiều, từ phát triển kinh tế cho đến thực hiện kế hoạch gia đình.
Bản Làng Ẻn nơi bà Phúc cư trú, có 67 hộ người Dao, có 76 chị em trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) thì đã có 47 chị sau khi đã sinh 2 con tự nguyện đình sản, có chị tự nguyện đình sản khi tuổi đời chưa đến 25, các cặp vợ chồng khác đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện nay các cặp vợ chồng có tuổi đời dưới 50 không có cặp nào sinh con thứ 3. Đây thực sự là kết quả đáng khâm phục ở một bản 100% người dân tộc thiểu số sinh sống.
Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thấy rõ ý nghĩa và tác dụng to lớn của việc chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, bà Phúc đã vận động bà con trong thôn hiến đất để làm đường giao thông, xây cầu. Bà Phúc cho biết: “Mới đầu, nhiều hộ cũng “suy nghĩ” lắm. Thế là tôi tiên phong hiến trước 500 m2 đất của nhà mình. Ban đầu là các đảng viên, các bậc cao niên rồi phong trào cứ thế lan rộng ra toàn thôn, “nhà nhà hiến đất, người người hiến đất” đã trở thành chuyện thường ngày”. Cuối cùng, cả thôn Làng Ẻn đã có 29 hộ dân tự nguyện hiến trên 14.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Bà còn vận động được mỗi hộ dân góp 2 triệu đồng để làm đường qua cầu.
Thôn Làng Ẻn bây giờ, 12/67 hộ gia đình có nhà xây, các gia đình khác đều có nhà ở chắc chắn, nền láng xi măng sạch sẽ; trẻ em trong tuổi đều được đi học và hầu hết học xong chương trình PTCS, có gia đình đã cho con đi học cao đẳng, đại học. Một phần là nhờ những người uy tín gương mẫu như bà Đặng Thị Phúc, luôn luôn là người tiên phong trong các hoạt động.
Lê San
“Ông tuyên truyền” ở thôn K’leng
Sau 20 năm làm Bí thư xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi về nghỉ hưu, ông Hồ Văn Lô, dân tộc Tà Ôi vẫn tiếp tục góp sức mình ở vị trí Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn K’leng.
Ông Hồ Văn Lô luôn luôn đi đầu gương mẫu trong các hoạt động ở địa phương.
|
Khi về hưu, ông Lô còn bận rộn hơn lúc đương chức. Ông trở thành người tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Ông bảo với con cháu mình: “Trong kháng chiến, chúng ta vừa chiến đấu, vừa làm ăn sản xuất được, tại sao trong thời bình, đất đai nhiều, lại được Nhà nước hỗ trợ, lại để mình nghèo. Chỉ có người lười lao động, thiếu hiểu biết mới thiếu cái ăn, thiếu cái mặc. Ai biết tiếp cận khoa học kĩ thuật vào sản xuất sẽ hết nghèo”.
Hiện nay, cuộc sống của đồng bào Tà Ôi ở xã Nhâm đã khá hơn trước. Nhiều hộ dân đã biết làm giàu nhờ trồng cà phê, keo và đào ao thả cá. 8/8 thôn của xã Nhâm đều có đường bê tông, 95% hộ dân đã có điện sinh hoạt. Xã Nhâm được huyện A Lưới chọn làm xã điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM), thôn K’leng cũng đã được công nhận là làng văn hóa.
Để làm gương thuyết phục bà con hưởng ứng tham gia xây dựng NTM, ông Lô đã tự nguyện hiến 500 m2 đất, với hàng trăm cây quế. Ông chia sẻ: “Làm công tác tuyên truyền phải gương mẫu đi đầu. Không được vi phạm bất cứ một điều gì. Đặc biệt, khi được người dân bầu chọn là người uy tín càng phải làm gương”. Trong thôn K’leng, có hộ anh A Việt Dân, do ngày xưa thiếu hiểu biết nên mới 34 tuổi, anh đã có một nách 5 đứa con. Có xoay xở làm ăn thế nào cũng túng thiếu. Trước hoàn cảnh của anh Dân, ông Lô đã bỏ ra 12 triệu đồng và vận động bà con trong thôn quyên góp ít nhiều giúp gia đình anh xây dựng được ngôi nhà cấp 4, ngay gần trung tâm xã. Hiện nay, cuộc sống gia đình anh Dân đã ổn định.
Ông Lô cũng là người luôn đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tà Ôi. “Bây giờ lớp trẻ không mấy mặn mà với giá trị truyền thống của dân tộc mình. Mỗi lần trong buôn làng tổ chức các lễ hội, thanh niên trong bản chỉ tụ tập ở một góc réo lên những bài hát nhạc trẻ xập xình chói tai, nhưng không đứa nào hát nổi, dù chỉ một câu những làn điệu mượt mà của dân tộc mình. Tôi thấy buồn lắm! Mỗi lần sinh hoạt ở nhà rông, tôi đều cố gắng kể lại những sự tích, phong tục, nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Tà Ôi, để lớp trẻ gắn bó hơn với dân tộc, với quê hương hơn”, ông Hồ Văn Lô đau đáu.
Nguyễn Lê
Ông “Dân vận” ở xã Quang Trung
Xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa có diện tích không rộng nhưng số dân của xã có hơn 8.000 nhân khẩu, với 82,6% là dân tộc Mường. Là địa bàn miền núi lại trong quá trình quy hoạch xây dựng đô thị vùng của tỉnh Thanh Hóa nên xã Quang Trung cũng như nhiều địa phương khác luôn pha tạp các loại tội phạm
Trong quá trình phát triển, do sự giao thoa giữa các nền văn hóa và quá trình hội nhập nên những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hoá của người Mường đã có sự mai một. Mặt trái của cơ chế thị trường, đã và đang làm thay đổi, lệch lạc, một bộ phận nhân dân nhất là thanh thiếu ham chơi đua đòi xa vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, sử dụng ma tuý, cờ bạc, rượu chè, dẫn đến vi phạm pháp luật. Trước tình trạng trên, ông Phạm Văn Nam, 53 tuổi là người uy tín trong cộng đồng và cũng là người dân tộc Mường đã nhận thức sâu sắc, trăn trở tìm những giải pháp đấu tranh loại bỏ những tệ nạn xã hội ra khỏi cuộc sống của nhân dân tại khu dân cư.
Ông Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ toàn xã Quang Trung có bảy đối tượng đi tù và cơ sở giáo dục về, sáu đối tượng nghiện ma túy; nghi nghiện là bốn đối tượng; 11 đối tượng cờ bạc và là gái mại dâm. Trước tình hình tệ nạn của xã phức tạp như vậy, ông Nam đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, bàn bạc với trưởng làng tại khu dân cư để tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy, mại dâm, cờ bạc… Trực tiếp gặp gỡ những đối tượng đã có tiền án, tiền sự có nguy cơ tái phạm để tìm hiểu, phân tích đúng sai; gặp các trưởng họ, trưởng tộc của những đối tượng chậm tiến để tuyên truyền, động viên họ đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Vận động nhân dân không kỳ thị, xa lánh những đối tượng có tiền án, tiền sự, mắc các tệ nạn xã hội; tạo điều kiện để cho hộ hòa nhập với cộng đồng, giúp họ bắt đầu lại cuộc sống mới. “Tôi tham gia vào tổ hòa giải ở thôn, tuyên truyền giải thích vận động để nhân dân hiểu, tự giải quyết những vướng mắc, tranh chấp nhỏ. Giúp cho họ cảm thông, xích lại gần nhau và giữ được sự đoàn kết trong làng”, ông Nam cho hay.
Với sự nỗ lực của ông Nam và sự góp sức của cộng đồng dân cư, số đối tượng được tha tù và đi cơ sở giáo dục trở về đã tu chí làm ăn không tái phạm, hòa nhập tốt với cộng đồng dân cư. Trong số sáu đối tượng nghiện đã đưa đi tập trung cai nghiện được hai người, tự cai nghiện ở nhà bốn người, số đối tượng nghi nghiện đến nay không thấy có biểu hiện sử dụng lại chất ma túy. Số đối tượng cờ bạc qua tuyên truyền giáo dục đến nay không tái phạm, số gái trước kia hành nghề mại dâm, nay không còn. Bên cạnh đó, ông Nam đã cùng với các tổ chức đoàn thể và những người có uy tín, già làng, trưởng bản tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu và nhận thức sâu sắc những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc Mường nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Vận động mọi người trong làng, khu dân cư tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do MTTQ phát động. Vận động các già làng, trưởng họ, trưởng tộc và nhân dân trong thôn lưu giữ, ghi chép lại những bài thơ ca, bài xường đang, hát giao duyên của người Mường để lưu truyền những nét đẹp văn hoá, những lời răn dạy của cha ông, những điều hay lẽ phải để truyền lại, nhằm giáo dục đạo đức lối sống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo ông Nam muốn đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bảo tồn bản sắc văn hoá trong cộng đồng dân cư thì cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng họ, những người có uy tín tại cộng đồng dân cư. Không mặc cảm kỳ thị với những người lầm lỗi, luôn giáo dục họ, không coi họ lúc nào cũng là tội phạm, là tệ nạn, là những người bỏ đi. Phải luôn tin tưởng và có trách nhiệm cưu mang gần gũi để cảm hóa giáo dục, không xa lánh họ, tạo cho họ có cơ hội vượt lên chính bản thân mình, hoà nhập được với cộng đồng, giúp họ hoàn lương, ổn định cuộc sống. Có cơ chế thích hợp hỗ trợ tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật để giải quyết việc làm cho những người lầm lỗi sớm tái hòa nhập với cộng đồng dân cư, có như vậy việc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội mới có hiệu quả và bền vững.
Viết Tôn