Cuộc bầu cử ở Nhật báo hiệu sự 'đổi ngôi'

Các cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn vào ngày 16/12 tới. Đây là cuộc tổng tuyển cử có số chính đảng tham gia nhiều kỷ lục ở đất nước Mặt Trời Mọc và đặc biệt thu hút sự quan tâm của cử tri bởi người dân "xứ sở hoa anh đào" hy vọng cuộc bầu cử có thể đem lại những thay đổi tốt đẹp hơn cho họ. Cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ đánh dấu sự quay trở lại nắm quyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập sau hơn 3 năm chính quyền thuộc về Đảng Dân chủ (DPJ).

 

1.504 ứng cử viên thuộc 12 chính đảng và các ứng cử viên độc lập đã đăng ký tranh cử 480 ghế Hạ viện. Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục có những dấu hiệu suy thoái do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đồng yên tăng giá, cử tri Nhật Bản rất quan tâm đến các chính sách kinh tế - tài chính của các đảng bởi những chính sách đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của họ.

 

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: Internet.

 

Theo kết quả thăm dò của báo "Nihon Keizai", hiện dư luận Nhật Bản đánh giá cao chính sách kinh tế của LDP với trọng tâm đưa nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát, đối phó với đồng yên tăng giá và khôi phục nền kinh tế sau thảm họa động đất - sóng thần và sự cố hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội và tái thiết nền tài chính do đảng DPJ cầm quyền đưa ra cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri.

 

Sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, chính sách năng lượng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Nhật Bản. Trước sức ép mạnh mẽ của phong trào phản đối điện hạt nhân ở trong nước, Thủ tướng Yoshihiko Noda và DPJ đã quyết định đưa vào cương lĩnh tranh cử lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào năm 2030 và khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của giới doanh nghiệp vì họ lo ngại chi phí điện năng tăng cao và nguồn cung không ổn định sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sức mạnh cạnh tranh của họ. Hơn nữa, để nghiên cứu và sản xuất điện từ các nguồn năng lượng có khả năng tái sinh, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn chi phí khổng lồ. Trong khi đó, Chủ tịch LDP Shinzo Abe cho rằng mục tiêu “không điện hạt nhân” là lý tưởng, nhưng LDP sẽ dành ưu tiên cho việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định và cam kết sẽ soạn thảo “chính sách hỗn hợp tốt nhất về cơ cấu nguồn cung điện” trong vòng 10 năm tới. Kế hoạch này của LDP đã giành được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Chính sách đối ngoại, an ninh quốc phòng cũng được các chính đảng nhấn mạnh trong cương lĩnh tranh cử trong bối cảnh Triều Tiên vừa thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh và Trung Quốc gia tăng các hoạt động tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp  Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trừ Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Dân chủ Xã hội phản đối quan hệ đồng minh với Mỹ, trong đó bao gồm kế hoạch tái bố trí quân đội Mỹ tại Nhật Bản, đa số các đảng khác đều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này trong việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và khu vực. Trong khi DPJ chủ trương quản lý quần đảo Senkaku một cách hòa bình và ổn định, LDP lại chủ trương đưa công chức thường trú lên đảo để quản lý hiệu quả. LDP cũng muốn nâng cấp lực lượng phòng vệ thành quân đội chính quy. Kế hoạch này của LDP được cho là nhằm giành phiếu bầu của các cử tri có tinh thần dân tộc chủ nghĩa mặc dù trên thực tế, họ khó có khả năng thực hiện chủ trương đó do phải cân nhắc tới mối quan hệ với Trung Quốc.

 

Một điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới là xu hướng liên kết, sáp nhập các đảng nhỏ mới để trở thành “thế lực thứ ba” trên chính trường Nhật Bản. Đảng "Hội Duy Tân Nhật Bản" do Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto thành lập vừa sáp nhập với đảng "Thái Dương" của cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara và một vài đảng nhỏ khác, trong khi đảng "Tương lai Nhật Bản" liên kết với đảng "Cuộc sống của người dân là trên hết". Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự sáp nhập vội vã của các đảng nhỏ khiến cho họ không thực sự thống nhất về chủ trương, chính sách và vì thế, khó có khả năng trở thành những tổ chức có thế lực.

 

Ngoài ra, việc Thủ tướng Noda giải tán Hạ viện sớm hơn dự định đã khiến cho các đảng mới thành lập không có nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở hậu thuẫn chính trị vững chắc cũng như điều chỉnh chính sách tranh cử phù hợp. Chính vì vậy, ít có khả năng “thế lực thứ ba” sẽ đóng vai trò quan trọng trên chính trường Nhật Bản sau bầu cử.

 

Mặc dù đảng cầm quyền DPJ đã soạn thảo một cương lĩnh tranh cử hiện thực hơn so với cuộc bầu cử 3 năm trước, song điều đó dường như chưa tạo được sức hút đối với cử tri bởi những gì mà đảng này thể hiện trong thời gian cầm quyền vừa qua chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của người dân đất nước Mặt Trời mọc. Các cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử đều cho thấy LDP hiện đang chiếm ưu thế, thậm chí có thể giành được đa số quá bán tại Hạ viện. Nhiều khả năng LDP sẽ lại liên minh với đảng Công Minh mới để thành lập chính phủ và ông Abe một lần nữa sẽ trở lại chiếc ghế thủ tướng. Tuy nhiên, do giữa LDP và đảng Công Minh mới còn nhiều khác biệt về chính sách, nên hai đảng này cần tự điều chỉnh để tránh tình trạng đối đầu trong vận hành chính quyền.

 

Cho dù đảng nào sẽ lên nắm quyền sau ngày 16/12 tới, họ cũng sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là việc khôi phục vị thế kinh tế của Nhật Bản và xử lý các mối quan hệ quốc tế phức tạp.

 

 

Minh Sơn (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN