Ngược dòng sông Đà, chúng tôi đến với huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi ngửa mặt chỉ thấy núi, cúi mặt chỉ thấy vực sâu, rừng thẳm và thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt. Vùng đất vô vàn gian khó này là nơi cư ngụ duy nhất của đồng bào dân tộc La Hủ, nhiều bản vẫn đang phải sống trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chiến sĩ biên phòng; người La Hủ đã an cư, lạc nghiệp, bản làng đã và đang đổi thay từng ngày.
Bài 1: Bỡ ngỡ an cư
Từ một dân tộc chỉ sống lang thang trong rừng sâu, phụ thuộc vào tự nhiên, nhờ sự giúp đỡ của những người lính biên phòng, cuộc sống của đồng bào La Hủ tại bản Là Si, xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu đã có những đổi thay đáng ngạc nhiên.
Một góc bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ, Mường Tè. |
“Chỉ cần đi ngược xuống quả đồi này, dừng chân nghỉ ở bờ suối rồi lại tiếp tục ngược lên quả đồi khác là tới đường dân sinh, dễ đi lắm. Bộ đội đi bộ mất 2,5 tiếng đồng hồ, còn dân bản thì chỉ mất tầm 2 tiếng”, Lò Văn Thịnh, chiến sĩ bộ đội đồn biên phòng 313 chỉ tay về phía ngọn núi xa tít tận cuối trời kể. Đồng bào La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu đang tạo dựng cuộc sống mới. Chúng tôi ngước nhìn lên khoảng không phía trước, chỉ thấy núi cao vời vợi. Bắt đầu từ bản Ló Na, xuôi theo đường bê tông, rồi lại rẽ theo con đường mòn mà dân bản vẫn thường hay gọi là đường trâu đi, chỉ nhỏ tí teo vừa đủ cho một người.
Xuống dốc người cứ đổ gập về phía trước, hai đầu gối có lúc mỏi nhừ run bần bật. Hết xuống rồi lại lên, đường dốc thẳng đứng, đầu gối chạm mặt... Cánh phóng viên chúng tôi mặc dù đã trải nghiệm khắp các tỉnh Tây Bắc vẫn thấy tức thở. Thịnh vẫn bước đều đặn và nhẹ nhàng như con sóc trên rừng, tươi cười bảo: “Lúc đầu chỉ đi đến con suối, mình đã mệt đến nỗi chỉ muốn quay về. Nhưng cứ người này động viên người kia, hết ngày này qua tháng khác. Cứ ròng rã như thế 5 tháng liền cõng thực phẩm, tôn lợp, búa, gỗ vào làm nhà cho bà con. Thành ra bước chân cũng quen, quen tới từng con dốc, hòn đá, càng đi càng khỏe”.
Thịnh kể tiếp: “Đồng bào La Hủ thường sống ở những vùng núi cao, rừng nguyên sinh, chưa có dấu người khai thác. Nhờ phát đường đi tuần tra, chúng tôi mới phát hiện được đồng bào La Hủ sống trong rừng. Khi đó, cả bản chỉ có vài túp lều tạm, chống bằng mấy chiếc cột tre, xung quanh thưng vách đan bằng những cây nứa đập dập. Mái lợp bằng những tàu lá chuối, khi lá chuối vàng héo đi họ lại chuyển tới nơi ở mới. Ở đây gia đình nào ít con cũng phải 6 - 7 đứa. Hàng ngày đàn bà lên rừng tìm củ sắn, củ mài và kiếm củi, còn đàn ông thì chỉ ở nhà uống rượu. Trẻ con không mặc quần áo, cứ ngủ vạ vật bên gốc cây, ruồi vàng, bọ chó bu vắt vẻo trên người. Trông tội lắm”.
Sau 4 tiếng rưỡi leo núi, chúng tôi cũng tới được bản Là Si, xã Thu Lũm. Đón chúng tôi là hai cô bé Hà Si và Mù Xó. Các em không e ngại người lạ, cười bẽn lẽn và lẽo đẽo theo sau vào bản. 23 ngôi nhà gỗ kiên cố nằm thoai thoải ở bãi đất bằng. Cả bản vắng vẻ, bố mẹ các em đều lên nương cả, chỉ có trẻ con ở nhà chơi với nhau. Một đứa bé con thấy Thịnh chạy tới ôm chân. Thịnh xoa đầu nó, cười bảo: “Quen người rồi đấy, trước đây thấy người lạ là trẻ con ở đây lại trốn mất hút”.
Tổ công tác đồn biên phòng 313 có 8 người đóng tại bản. Giữa cái nắng của buổi chiều, sự vắng lặng nơi núi rừng, tiếng ê a đánh vần phát ra từ sau một mái nhà. Thiếu úy Hoàng Thanh Bình đang cầm cái que chỉ lên chiếc bảng to đóng bằng gỗ rừng, chi chít những con chữ được viết bằng phấn, bảng mười chữ cái và mười chữ số cơ bản. Đọc tới đâu, ở dưới lũ trẻ con đọc theo tới đấy. “Cả bản không có ai biết tiếng Kinh đâu, toàn phải nói chuyện với các em bằng tiếng Hà Nhì. Tập đọc nhiều các em cũng nhớ được mặt chữ đấy. Giờ chỉ vào chữ nào là đọc được chữ ấy. Sắp tới mình sẽ mở một lớp xóa mù cho tất cả trẻ con trong bản này”, thiếu úy Bình tâm sự.
Chiều muộn, trời ở vùng cao sụp tối rất nhanh, từ dưới dốc thấy lô nhô dân bản trở về sau ngày lên nương. Nhà nhà đã bắt đầu nổi lửa thổi cơm. Chỉ riêng nhà của Pờ Phí Giá là vẫn còn tối om om. Hỏi ra mới biết, Pờ Phí Giá chỉ còn một mình, không có anh em họ hàng gì. Được cấp cho một ngôi nhà to mình ông ở không hết. Tuổi đã cao nên ông cũng không đi lên nương nữa, mà qua góp gạo với nhà chị Pờ Mí Phù thổi cơm chung cho đỡ buồn.
Trên bếp lửa nhà chị Lỳ Na Phí, nồi canh rau đang sôi sùng sục. Mấy đứa con háu đói đang chờ cho cơm canh chín. Đã lâu rồi chúng đã biết đến bữa ăn đều đặn hằng ngày, không còn phải gặm củ mài, củ ấu thay cơm nữa.
Thăm từng gia đình xong trời đã tối mịt, chúng tôi theo thiếu úy Bình trở về căn nhà của bộ đội biên phòng. Ra bể nước đã thấy lô nhô trẻ con trong bản rửa chân tay, mặc cho trời rét căm căm. Thiếu úy Bình giải thích: “Lúc mới vào chúng tôi dạy cho các em vệ sinh thân thể, đến bây giờ thành quen, nên chiều nào không tắm rửa là không chịu được. Đau bụng đã biết đến trạm xá xin thuốc rồi đấy. Cả người lớn và trẻ con đều phải dạy từ đầu. Bộ đội theo chân người lớn lên nương, cầm tay chỉ họ cách làm. Cung cấp từ cái cày cuốc cho đến con giống. Còn trẻ con thì gom lại một lớp xóa mù. Cách hai ngày bộ đội lại thay phiên nhau cõng gạo từ trung tâm vào. Mỗi tháng Nhà nước cho mỗi người 10 kg và đồn biên phòng cũng phụ thêm 5 kg trong 6 tháng để bà con ổn định cuộc sống. Coi như cái đói trước mắt là không còn phải lo đến nữa”.
Tối đến, người dân trong bản tụ tập đông đủ tại nhà của tổ công tác. Họ đến xem ti vi. Vẻ mặt ai cũng ánh lên niềm thích thú. Thấy tôi thắc mắc, anh Bình giải thích: “Dù không biết tiếng phổ thông, nhưng dân bản rất thích xem ti vi. Nhiều khi mới 6 giờ sáng đã có người gõ cửa đòi xem”.
Trời đã nhá nhem, trưởng bản Lý Mo Giá mới từ trên nương trở về. Trưởng bản không nói được tiếng Kinh nhưng có thể hiểu được. Thiếu úy Bình vừa nói chuyện bằng tiếng Hà Nhì vừa phiên dịch cho tôi hiểu. Lý Mo Giá tâm sự: “Giờ Nhà nước đã xây cho mình nhà cửa kiên cố như thế rồi, mình phải giữ nhà cửa, không đi lang thang nữa. Bà con La Hủ quyết tâm giữ vững những gì Nhà nước đã giao cho”.
Người La Hủ từ nay không còn lang thang trong rừng nữa. Họ đã có một bếp lửa để sưởi ấm, một mái nhà để che mưa, che nắng. Rồi đây, những đứa trẻ mới chỉ biết mặc quần áo kia sẽ được học cái chữ, sẽ có một cuộc sống yên ổn, ấm no hơn bố mẹ chúng. Những mầm non tương lai như hứa hẹn sức sống mới trên mảnh đất một thời chìm trong nghèo đói.
Bài và ảnh: Minh Đức
Bài cuối: Đổi thay vượt bậc