Hai tuần sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ, người dân Ai Cập đã bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường nhật với những khó khăn chồng chất. Nhưng ánh mắt, tâm trí vẫn đang hướng về quảng trường Tahir để nghe ngóng những diễn biến mới nhất.
Hai cảnh tượng đối lập nhau diễn ra trên đường phố. Một ở quảng trường Tahir chật ních thanh niên tham gia biểu tình, và một ở những khu phố khác ở thủ đô Cairô với những người dân đang bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường nhật.
Bên ngoài quảng trường Tahir, nạn tắc đường, tiếng xe cộ bóp còi inh ỏi, hàng dài người xếp hàng trước các cửa hàng bán bánh mỳ. Trên phố, không còn thấy những vẻ mặt rầu rĩ, những cuộc cãi vã nổ ra mà không vì lý do nào cả. Sự căng thẳng cũng đã giảm đi và những cái nhìn đầy lòng thương cảm hơn.
Hai tuần dài tưởng như vô tận đã trôi qua. Các cơ quan, công sở nhà nước đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng giờ làm việc thì giảm đi. Mọi người xuất hiện trên phố nhiều hơn. Xe buýt, văn phòng, các câu lạc bộ thể thao chật ních người.
Sau 11 ngày đóng cửa, các ngân hàng đã mở cửa ngày 6/2 vừa qua. Hàng trăm người xếp hàng trước các cửa ngân hàng để rút tiền. Đây thực sự là cuộc chạy đua với thời gian, vì các ngân hàng chỉ mở cửa từ 10 giờ 30 đến 13 giờ 30. Một số khác thì tìm tới những chi nhánh nhỏ để rút tiền, nhưng đều thất vọng vì nhìn thấy những cảnh tượng tương tự.
Anh Taher Radi, một nhân viên của một công ty quảng cáo cho chúng tôi biết: "Tôi đến ngân hàng từ lúc 8 giờ sáng, nhưng hàng trăm người khác đã đến trước. Tôi không còn một đồng nào cả. Tôi sẽ phải đi làm vào ngày mai và không thể kéo dài sự chờ đợi như thế này nữa". Taher Radi đang tự hỏi mọi thứ đến khi nào mới quay trở lại bình thường như trước đây.
Người dân Cairô rồng rắn xếp hàng trước cửa ngân hàng để rút tiền ngày 6/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tại đường Gameat Al Dowal ở khu Mohandessine, rất nhiều cửa hàng bị đốt cháy hoặc bị đập phá. Trước các trạm xăng, hàng dài xe ô tô chờ đến lượt để được tiếp nhiên liệu. Hình ảnh tương tự cũng xảy ra trong các siêu thị, khi các gia đình chất đầy hàng hóa trên xe đẩy do lo ngại hàng hóa khan hiếm và giá lương thực tăng cao.
Một hình ảnh khác dễ thấy nhất trong ngày này đó là người già ở nhà trông trẻ để bố mẹ chúng đi làm vì các trường học đều đóng cửa. Chaimaa là một cô gái trẻ vừa lập gia đình. Sau khi nổ ra các cuộc biểu tình, Chaimaa đã rời căn hộ của mình tại khu Maadi để về sống với bố mẹ đẻ tại một khu phố khác. Và đã 2 tuần nay, cô đã ở đó cùng với chồng mình.
Chị gái của cô cũng đã lập gia đình và có 3 con cũng làm điều tương tự. Hiện đang làm việc cho một văn phòng luật sư, Chaimaa tâm sự: "Chúng tôi buộc phải dùng đến cách này, vì chúng tôi không còn tiền tại nhà. Bố mẹ chúng tôi không có thói quen để tiền ở ngân hàng.
Bố mẹ tôi có tiền để ở nhà. Chúng tôi có thể nương nhờ trong những ngày này". Trong gia đình này, thanh niên thì đi làm từ sáng. Còn hai ông bà già ở nhà thì chăm sóc cháu. Và vào lúc 20 giờ, thời điểm của giờ giới nghiêm, mọi người lại cùng nhau ngồi trước màn hình ti vi để xem những gì đang diễn ra tại quảng trường Tahir.
Tại một câu lạc bộ bắn súng ở Cairô, hai tiếng trước lệnh giới nghiêm, trẻ con nô đùa và đá bóng ngoài sân. Các bà mẹ thì nói chuyện phiếm với nhau. Trên loa thông báo rằng, câu lạc bộ chuẩn bị đóng cửa và yêu cầu mọi người rời khỏi đây. Nhưng không một ai quan tâm đến điều này cả. Từ lâu rồi, cha mẹ và trẻ con bị mất tự do và buộc phải ở trong nhà vì những cuộc biểu tình chống chính phủ.
Cách đó không xa, trong một quán cà phê, những người đàn ông vừa uống chè, vừa hút shisa và bàn luận đến những gì sẽ diễn ra tại Ai Cập trong tương lai. Những chủ đề mà họ bàn luận nhiều nhất trong những ngày qua là cải cách chính trị và sửa đổi hiến pháp. Tất cả họ đều chia sẻ một mong muốn, đó là có một tương lai tốt đẹp hơn ở đất nước Ai Cập.
Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập)