Cứu sông Đồng Nai

Một dự án chưa có tiền lệ mà nhận được sự đồng thuận xã hội cao, đó là dự án di dời và chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, một biểu tượng phát triển công nghiệp không chỉ riêng Đồng Nai mà của cả phía Nam. Mọi ý kiến đều cho rằng, đã đến lúc KCN tròn nửa thế kỷ này chấm dứt vai trò lịch sử của mình, bởi nó chính là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai, khiến 20 triệu người dân sống dọc con sông này đang có nguy cơ không có nước sạch để dùng.

 

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, bình quân mỗi ngày, hơn 100 doanh nghiệp đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra khoảng 7.700 m3 nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã tạo cho sông Đồng Nai một gánh nặng quá sức so với khả năng tự làm sạch tự nhiên, dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông ngày một trở nên trầm trọng.


Do vậy, việc di dời KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai là một quyết định đúng đắn của tỉnh Đồng Nai, được dư luận ủng hộ; vấn đề chỉ là thời gian và việc bố trí di dời các doanh nghiệp vào thời điểm nào cho thích hợp. Dự kiến sẽ dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho việc di dời các doanh nghiệp tại KCN này. Cũng phải thấy rằng, việc di dời KCN chưa từng có tiền lệ ở nước ta, do vậy sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là trong bối cảnh chúng ta chưa có những chính sách cụ thể để thực hiện công việc này. Khó khăn lớn nhất là về vấn đề bồi thường (đất đai, máy móc thiết bị), ngoài ra việc di chuyển còn khiến các công ty gặp khó trong sử dụng lao động. Hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 đều đồng ý với chủ trương di dời. Chủ trương của tỉnh Đồng Nai là ngoài việc bồi thường, hỗ trợ di dời thỏa đáng, tỉnh cũng giao chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ đối với người lao động để các doanh nghiệp di dời sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới. Xét về lợi ích lâu dài, thì đây là chuyện không thể không làm. Song một vấn đề cần được xem xét là thời điểm di dời, di dời đến đâu và Nhà nước hỗ trợ ra sao?


Từ quyết định buộc di dời KCN Biên Hòa 1 đã cho thấy cần phải thay đổi cách nhìn cũng như tư duy trong việc đầu tư xây dựng các KCN; cụ thể cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của các KCN, đồng thời phân tích kỹ tác động của nó đến môi trường để tránh những hệ lụy về sau. Một vấn đề khác không thể xem nhẹ là cần có quy định khoảng cách an toàn về môi trường từ các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới khu dân cư, nhằm ngăn chặn các KCN có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường.


Một bài học đắt giá cần phải rút ra từ KCN Biên Hòa 1 là việc phát triển quá nóng của các KCN trong thời gian qua, việc thiếu ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật môi trường nói chung và môi trường KCN nói riêng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 179 KCN hiện đang hoạt động trên cả nước, chỉ có 143 KCN đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; số còn lại vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó cũng cần cảnh báo việc một số doanh nghiệp nhập các thiết bị cũng như công nghệ lạc hậu về lắp đặt, khiến tình trạng ô nhiễm tại các KCN càng trầm trọng thêm.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN