Ngày 5/3, cơ quan Kiểm soát Hành chính Ai Cập (ACA) cho biết Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak và hai con trai sẽ phải đối mặt với vụ án tham nhũng mới mà tổng số tiền thất thoát bị cáo buộc lên tới 1 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 145 triệu USD).Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại phiên tòa ở Cairo ngày 2/6/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập, ACA, cơ quan chuyên thụ lý các vụ án tham nhũng tài chính, cáo buộc ông Mubarak và hai con trai đã nhận tiền để ký các hợp đồng làm việc tại Phủ tổng thống, song các hợp đồng này chưa bao giờ được thực hiện. Thay vào đó, bố con ông Mubarak đã dùng số tiền này để xây dựng các dinh thự riêng tại Cairo. Gamal và Alaa Mubarak hiện cũng đang phải đối mặt với cáo buộc vi phạm các quy định của thị trường chứng khoán và các quy tắc của Ngân hàng Trung ương để thu lợi bất chính.
* Cùng ngày, liên minh đối lập chính tại Ai Cập là Mặt trận Cứu quốc (NSF) cho biết sẽ khởi động một chiến dịch tuyên truyền tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 22/4 tới 24/6.
NSF cho biết đang có kế hoạch thành lập một kênh truyền hình vệ tinh nhằm đẩy mạnh chiến dịch tẩy chay bầu cử trên toàn quốc, đồng thời nêu ra các giải pháp thay thế nhằm giải quyết tình trạng bất ổn chính trị và xã hội hiện nay. Tuần trước, NSF đã tuyên bố tẩy chay bầu cử với lý do luật bầu cử "vi hiến" trong khi chính phủ không thể đưa ra các bảo đảm để bầu cử diễn ra tự do và minh bạch, đồng thời liên minh này cũng sẽ không tham gia đối thoại dân tộc được Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi ủng hộ. NSF đưa ra yêu cầu cần giải tán chính quyền hiện nay trước thời điểm bầu cử quốc hội.
Phản ứng lại, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil ngày 5/3 tuyên bố "chính phủ hiện nay không phải là chướng ngại đối với cuộc bầu cử quốc hội sắp tới", nhấn mạnh rằng ủy ban bầu cử sẽ điều hành tiến trình một cách "hoàn toàn độc lập".
NSF, gồm hơn 30 đảng phái và phong trào chính trị với khuynh hướng tự do và cánh tả, cũng lên án những đụng độ gần đây giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở một số địa phương của Ai Cập, đặc biệt ở thành phố Port Said thuộc tỉnh cùng tên nằm dọc kênh đào Suez. Bạo lực tại đây là làm ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương hồi cuối tuần qua.
Ngày 5/3, đụng độ lại nổ ra ở Port Said giữa cảnh sát và người biểu tình. Căng thẳng tiếp tục gia tăng xung quanh trụ sở an ninh chính, địa điểm đã bị đốt phá cùng ngày. Cảnh sát chống bạo động đã phải dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình có trang bị bom xăng.
Xô xát bùng phát gần quảng trường Tahrir tại trung tâm thủ đô Cairo khi nhiều người biểu tình tụ tập dự lễ tang một nhà hoạt động bị thiệt mạng hồi tháng Giêng. Cũng ở Cairo, người biểu tình còn đập phá cửa sổ nhà cựu Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Ai Cập hồi tháng 2//2012 , thời điểm xảy ra vụ bạo loạn sân cỏ nghiêm trọng tại Port Said làm 74 người thiệt mạng.
TTXVN/Tin tức