Tham dự có Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang.
Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Phong, các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng bộ Thành phố luôn nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xác định việc thực hiện tốt công tác chính sách dân tộc là một trong những điều kiện đảm bảo an dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị của Thành phố, tạo sự đồng thuận của xã hội. Thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, các đề án, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình; phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật trong đồng bào các dân tộc.
Cùng với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể Thành phố thường xuyên vận động, tập hợp các giới đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chính trị, xã hội; tăng cường đoàn kết người dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; quan tâm, chăm lo đời sống, giải quyết việc làm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đồng bào các dân tộc…
“Từ các hoạt động thực tiễn, đồng bào dân tộc thiểu số Thành phố đã an tâm và luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước những thành tựu của đất nước và Thành phố trong công cuộc đổi mới. Các nhu cầu về văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đáp ứng. Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân ngày càng nâng cao, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Ngọc Phong khẳng định.
Công tác dân tộc tại Thành phố được thực hiện trên nguyên tắc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” gắn với việc thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao đã tác động tích cực đến việc tham gia hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ các hoạt động văn hóa, xã hội do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phát động.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc của TP Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế nhất định như: Thiếu sự xuyên suốt, đồng bộ; việc quản lý một số mảng kinh tế, văn hóa, giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở phần lớn làm kiêm nhiệm nên chưa sâu sát; công tác đào tạo cán bộ chưa được đầu tư căn bản, chuyên sâu...
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré đánh giá cao những nỗ lực của các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, nhất là những sáng kiến, đổi mới trong việc thực hiện công tác dân tộc như: Chăm lo cho hộ nghèo; đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào người Hoa; tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, dạy nghề, hỗ trợ việc học, việc làm trong và ngoài nước, nhất là dành nguồn quỹ hỗ trợ cho người nghèo, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc theo tiêu chí cao…
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách dành cho sinh viên học sinh; tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở… Qua các hoạt động, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả các chính sách và công tác dân tộc.
Trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay, ông Điểu K’Ré cho rằng cần thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường lãnh đạo có hiệu quả các chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Hoa, Chăm, Khmer…
Xác định vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài và là vấn đề cấp bách hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tập trung thực hiện tốt công tác dân tộc tại địa phương; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ý thức trách nhiệm của công dân Việt Nam; nâng cao cảnh giác đối với các thế lực thù địch; chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, những người có uy tín; xây dựng các quy chế phối hợp giữa các cấp ngành nhằm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc.
Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Cần tập trung đổi mới công tác dân tộc theo hướng 5 có. Trong đó, phải có khảo sát điều tra nắm chắc tình hình công tác dân tộc thiểu số; có sự lãnh đạo thống nhất đồng bộ; có kỷ luật, kiên quyết để thực hiện chính sách; có sự tuyên truyền rộng rãi trong Đảng và nhân dân; có sự kết hợp giữa ba phương pháp là giáo dục hành chính và kinh tế trong công tác dân tộc”.
Đồng thời, Thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết hợp các nguồn lực xã hội cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong dân tộc, tôn giáo. Ông Trần Lưu Quang tin tưởng, việc giải quyết tốt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, qua 15 năm thực hiện công tác dân tộc, Thành phố đã phát triển hàng ngàn mô hình kinh tế hiệu quả trong đồng bào các dân tộc thiểu số; hỗ trợ, chăm lo cho hàng chục ngàn hộ thoát nghèo theo chuẩn Thành phố; dạy nghề và giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lượt người; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, văn nghệ; xây dựng website, phát hành báo tiếng Hoa cùng nhiều chương trình cho đồng bào các dân tộc thiểu số…