Tiến độ triển khai những chính sách đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi hiện ra sao? Làm thế nào để huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các tổ chức quốc tế nhằm xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, là những vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Vốn còn hạn chế
Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, năm 2013, mặc dù đất nước có rất nhiều khó khăn, nhưng Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, triển khai các đề án, chương trình chính sách mới để hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc vùng núi. Năm 2013, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới như: Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình hành động về công tác dân tộc của Chính phủ đến năm 2020; tiếp tục thực hiện Chính sách 135 giai đoạn III. Các chính sách đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi có tác dụng to lớn, giúp cho đồng bào có điều kiện phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.
“Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập nhất định, cụ thể là nhiều chính sách được xây dựng từ trước, một số chính sách đã lạc hậu, nhưng chưa có điều kiện sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; sự phân công quản lý, điều hành các chương trình của chúng ta còn chồng chéo, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng. Việc bố trí ngân sách cho một số chương trình còn hạn chế như: Chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc năm 2013 không được bố trí vốn, vốn cho Chương trình 135 năm 2013 đạt mức độ thấp, chương trình về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người nghèo vùng khó khăn chưa bố trí được vốn…”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đang triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đối tượng thụ hưởng là đồng bào các dân tộc, đặc biệt sớm trình cấp có thẩm quyền khắc phục, bổ sung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho một số chính sách đạt tỷ lệ thấp như: Chính sách định canh, định cư; chính sách hỗ trợ việc làm cho đồng bào các dân tộc mới đạt trên 30%; chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào mới đạt khoảng 7% dự kiến năm 2014.
Tăng cường sự hỗ trợ quốc tế
Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, để triển khai tốt các chính sách, vấn đề đầu tiên phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước. Thứ hai là tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Đây là kênh phát huy hiệu quả rất tốt. Ví dụ việc triển khai như Chương trình 135 thời gian qua đã có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, của Liên hợp quốc, UNDP và của các nhà tài trợ khác. Ba là, cần sử dụng và kêu gọi các nguồn lực đầu tư, ủng hộ từ cộng đồng và các nhà từ thiện trong nước, quốc tế, cũng như phát huy nội lực của các địa phương và người dân, các dòng họ, dòng tộc của đồng bào dân tộc, để làm sao có thêm nguồn lực triển khai tốt nhất các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào các dân tộc chủ động, sớm thoát khỏi đói nghèo. Bốn là, các đối tượng sử dụng nguồn lực phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát và phải xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng nguồn lực trong nước và quốc tế có sai phạm để đảm bảo các nguồn lực thực sự đến tay đối tượng được thụ hưởng một cách tốt nhất.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định: “Năm 2014 có hai chương trình Nhà nước bảo đảm cơ bản nguồn lực theo dự kiến, kế hoạch. Có 3 chương trình, trong đó có chương trình 135, nguồn lực bố trí vẫn thiếu hụt, chỉ đạt khoảng 50%, chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đạt rất thấp, bố trí vốn chỉ đạt 7,7%. Trước tình hình khó khăn của đất nước như vậy, nguồn lực bố trí của các tổ chức quốc tế năm 2014 sẽ được triển khai đến các địa phương, cộng với các chương trình của chúng ta nữa thì chính sách này sẽ đến tay đối tượng được thụ hưởng năm 2014”. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, do nguồn vốn có hạn, nên các địa phương cần sử dụng hiệu quả, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu sự tự tin, tính chủ động vươn lên của các địa phương cũng như các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Trọng Thủy