Đằng sau thông điệp khó hiểu của Mỹ với Ai Cập

Theo mạng tin "Oil price" ngày 6/8, điều mà Mỹ đang mong muốn tại Ai Cập chính là điều mà nước này đã không thể đạt được tại Iraq: một kiểu ổn định cho phép Mỹ kiểm soát được tình hình.


 

Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tại thành phố Alexandria, Ai Cập ngày 6/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong trường hợp Iraq ổn định có nghĩa là Mỹ kiểm soát được một trong những nguồn dầu mỏ lớn nhất thế giới. Còn trong trường hợp Ai Cập ổn định có nghĩa là đảm bảo suôn sẻ cho đầu tư nước ngoài của Mỹ, một tầm vươn rộng đối với một trong những khu vực vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới và đảm bảo hòa bình với Israel. Kể từ sau thất bại tại Iraq, Mỹ gặp khó khăn trong việc thực hiện chiến lược ổn định có chọn lọc và bị các sự kiện của "Mùa Xuân Arập" làm hụt bước. Khó khăn này thể hiện rõ ràng nhất ở Ai Cập tại thời điểm cuộc cách mạng đầu tiên lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Hosni Mubarak.


Lịch sử gần đây cho thấy Mỹ và các nước phương Tây có xu hướng ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan hơn là Hồi giáo chính trị, hoặc thậm chí cả các trung tâm quyền lực thế tục bởi vì hai đối tượng sau có đủ cơ sở để thành lập những nhà nước thực sự độc lập, khó kiểm soát hơn. Tại Ai Cập, Tổ chức Anh em Hồi giáo - do Tổng thống Mohamed Morsi (người đang bị quân đội Ai Cập giam giữ), lãnh đạo - là một ví dụ thử nghiệm của chính trị Hồi giáo được Qatar ủng hộ, nhưng là nỗi thất vọng của Arập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Washington đang hài lòng khi thấy Anh em Hồi giáo bị thất bại và ông Morsi bị lật đổ, mà nguyên nhân là do họ quá độc lập.


Nhưng giờ đây Mỹ nhận thức được rằng họ đang ở vào một vị trí khó khăn. Mỹ vừa phải đảm bảo rằng bất kỳ chính quyền mới nào tại Ai Cập phải hữu nghị với Israel, nhưng cũng cần đảm bảo rằng họ phải phục vụ cho tầm nhìn của Arập Xêút về một Ai Cập mới. Cho đến nay, mọi việc đều ổn, trừ yếu tố ổn định. Do vậy, trong khi Mỹ muốn chỉ ra cho Anh em Hồi giáo cánh cửa trở lại, họ cũng muốn đảm bảo chắc chắn rằng chính phủ thế tục mới, có khả năng độc lập thực sự, không trỗi dậy từ đống tro tàn. Washington mong muốn ổn định, nhưng là ổn định có lợi cho họ, một sự ổn định đi kèm đòn bẩy.


Những chính phủ thế tục mạnh mẽ là nguy hiểm nhất cho chiến lược chính sách đối ngoại của Mỹ bởi vì các chính phủ này khó kiểm soát nhất. Đây là cơ sở để giải thích những thông điệp khó hiểu mà Washington đưa ra với Cairo hồi tuần trước. Khi các nhà ngoại giao đi lại như con thoi, Mỹ yêu cầu quân đội Ai Cập trả tự do cho ông Morsi và đưa cả Tổ chức Anh em Hồi giáo vào các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới.


Yêu cầu này được đưa ra sau khoảng thời gian khá dài để Washington quyết định có nên thừa nhận việc quân đội tiếp quản quyền lực tại Ai Cập ngày 3/7 có phải là một vụ đảo chính hay không. Nếu Mỹ bắt đầu gọi vụ này là đảo chính, thì họ không thể tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ai Cập. Giờ đây, chính quyền Mỹ đã quyết định vụ việc xảy ra tại Ai Cập không phải là đảo chính, có nghĩa là viện trợ quân sự có thể được tiếp tục, nhưng kèm thêm các điều kiện, trong đó có yêu cầu về Anh em Hồi giáo và ông Morsi.


Người ta sẽ sai lầm khi nghĩ rằng chính phủ Ai Cập mới sẽ tránh được việc "kết nạp" Tổ chức Anh em Hồi giáo. Cuộc khủng hoảng tại Ai Cập sẽ không thể kết thúc nếu các nhà lãnh đạo mới không tìm ra một con đường để mở cửa cho chính trị Hồi giáo và tránh kích động bạo lực bằng cách giết hại hoặc bắt giữ các thủ lĩnh chủ chốt của Anh em Hồi giáo. Mubarak là một nhà lãnh đạo lý tưởng đối với Washington, nhưng sẽ không có một Mubarak khác.

D. Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN