Ngày 24/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, giữa lúc Washington phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh.
Khi ông Chuck Hagel bị cô lập
Sự ra đi của ông Chuck Hagel được xem là kết cục tất yếu. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng, quyết định này xuất phát từ “hai phía”, sau các cuộc thảo luận giữa ông và Tổng thống Obama từ giữa tháng 10 vừa qua. Tổng thống Obama phủ nhận những đồn đoán cho rằng có sự mâu thuẫn, rạn nứt giữa hai người trong quá trình bàn thảo này, không quên dành cho ông Hagel lời cảm ơn vì sự phụng sự “ngay thẳng” mỗi khi xuất hiện những vấn đề “gai góc”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) cùng BTQP Chuck Hagel. Ảnh: AP |
Sự thực có thể không như vậy. Dư luận tại Mỹ đánh giá, Bộ trưởng Hagel từ chức là do ông không nằm trong ê-kíp hoạch định chính sách đối ngoại, an ninh tại Nhà Trắng, cảm thấy bị tổn thương khi nhiều đề xuất không được chấp nhận. Thượng Nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa nhìn nhận: Ông Hagel tỏ ra bất bình với nhiều điểm trong chính sách an ninh của Mỹ, cũng như quy trình hoạch định chính sách của chính quyền. Đó là sự can thiệp quá sâu của Nhà Trắng, với chỉ một nhóm nhỏ giữ toàn quyền quyết định. Theo tờ New York Times, đây là nhóm ‘cố vấn” của Tổng thống, gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Phó Cố vấn ANQG Benjamin Rhodes; Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey và Ngoại trưởng John Kerry.
Rạn nứt giữa Bộ trưởng Hagel với “Nhóm” Nhà Trắng lộ rõ hồi tháng 9 vừa qua, khi ông viết thư cho Cố vấn An ninh quốc gia, lớn tiếng chỉ trích chính sách của chính quyền trong vấn đề Syria, mà theo ông là thiếu sự liên kết giữa về mặt chiến thuật giữa chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với mục tiêu chiến lược là cần phải làm gì với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trước đó, ông Hagel cũng công khai phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Nhà Trắng.
Ứng viên mới và thách thức cũ
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách chính sách, bà Michele Flournoy, hiện nổi lên là ứng cử viên số một thay thế ông Hagel. Một gương mặt “tiềm năng” khác là Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work. Tuy nhiên, ông Obama chưa đưa ra một thời gian biểu cụ thể nào cho việc thay mới này, khi mà đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Buck McKeon cảnh báo, bất kì một ứng viên nào do Tổng thống đề cử đều sẽ phải trải qua “quãng thời gian xem xét khó khăn” tại Thượng viện.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner nhấn mạnh, Nhà Trắng cần xem bước thay đổi nhân sự này là một phần trong việc soi lai chiến lược của nước Mỹ trước các mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là khủng bố IS. Thế nhưng, cách nói này của ông Boehner cũng chẳng khác gì suy tính của của chính quyền Obama. Các phụ tá tại Nhà Trắng từng nói rằng ông Hagel chỉ là “hổ giấy”, non kinh nghiệm trong vấn đề Trung Đông, là “mắt xích yếu” trong bộ máy an ninh Mỹ…
Tờ Political (Mỹ) bình luận: Sự ra đi của ông Hagel sẽ không đánh dấu một định hướng mới trong chính sách của Mỹ, như những gì Tổng thống George W. Bush từng làm khi đưa ông Robert Gates lên thay ông Donald Rumsfeld nắm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng năm 2006. Vấn đề gốc rễ là ở chỗ, nhóm “cố vấn” Nhà Trắng vẫn sẽ toàn quyền quyết định các chính sách an ninh của Mỹ trong thời gian ông Obama còn tại vị.
Ngay sau khi thông báo để ông Hagel từ chức, Tổng thống Obama đã triệu tập cuộc họp đầy đủ của Hội đồng An ninh quốc gia. “Thông điệp của Tổng thống là đội ngũ phụ tá vẫn đầy đủ, rằng chúng tôi là những người có khả năng tự hoạch định tiến trình, tự lập nghị trình hành động”, một quan chức cấp cao Mỹ bình luận.
Hoài Thanh