Tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói rằng cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ngỏ ý định với ông về việc từ chức từ tháng trước. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng cho biết Tổng thống Obama và Bộ trưởng Hagel đã có các cuộc thảo luận về tương lai của ông Hagel từ giữa tháng 10 và các cuộc thảo luận này là do vị Bộ trưởng tuổi đề xuất. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền nói rằng sức ép thay đổi vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc đến từ chính Nhà Trắng.
Kể từ khi chính thức được bổ nhiệm hồi năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama. Chiến dịch không kích tại Iraq và Syria ngày càng quyết liệt cũng đồng nghĩa với việc những mâu thuẫn này tiếp tục leo thang.
Đáng chú ý là trong một thông báo nội bộ vừa bị tiết lộ hồi tháng trước, Bộ trưởng Hagel đã đặt ra không ít câu hỏi và nhấn mạnh tới sự cần thiết của một chiến dịch cụ thể hơn nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Các quan chức thạo tin này cho rằng về cơ bản, Bộ trưởng Hagel đã bị cách chức.
Một số quan chức đề nghị giấu tên cho biết Bộ trưởng Hagel đã quá nản lòng khi ông không có những ảnh hưởng quyết định đối với nhiều vấn đề then chốt trong chính sách an ninh của Mỹ, trong đó có cuộc chiến chống IS. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói rằng cựu Thượng nghị sĩ bang Nebraska đã "không hài lòng" với quá trình ra quyết định của chính quyền.
Ông nói: "Tôi cho rằng ông ấy, cũng như hai người tiền nhiệm Robert Gates và Leon Panetta, đều cảm thấy rất nản lòng với sự quản lý vi mô quá đà của Nhà Trắng, chỉ một nhóm nhỏ các quan chức nắm quyền ra mọi quyết định". Ông McCain - người chuẩn bị đảm trách vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện - cho rằng Bộ trưởng Hagel "không tin rằng Mỹ có một chiến lược cụ thể để chống lại IS".
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng Bộ trưởng Hagel đã xử lý khá tốt kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi cuộc chiến tại Afghanistan và cũng giải quyết các thách thức liên quan đến việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm - nguyên nhân mà giới chức Lầu Năm Góc cho là đã đe dọa cản trở khả năng ứng phó của quân đội Mỹ trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều thách thức toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng liên quan đến IS tại Iraq và Syria đã dần trở thành mối ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc phòng của Mỹ, và giới chức cấp cao tại Nhà Trắng cho rằng ông Hagel là người không có đủ khả năng để giải quyết những thách thức tương tự. Nhiều người đánh giá Bộ trưởng Hagel, vốn bị coi là người thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề Trung Đông, là “mắt xích yếu” trong bộ máy an ninh Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (giữa) và Phó Tổng thống Joe Biden tại lễ từ chức của ông Hagel ở Washington, DC., ngày 24/11. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Quyết định thay thế ông Hagel được đưa ra sau khi một thông báo nội bộ khá quan trọng bị tiết lộ. Trong đó, Bộ trưởng Hagel đã viết thư cho cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và đặt nghi vấn về chiến lược của chính quyền tại Syria. Ông Hagel cho rằng Mỹ cần xác định rõ ý định đối với Tổng thống Assad.
Suốt từ hơn ba năm trước, Tổng thống Obama đã không ngừng kêu gọi ông Assad từ bỏ quyền lực, song trong nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ lại chuyển hướng tập trung sang các cuộc tấn công nhằm vào các tay súng IS, lực lượng cũng đang chống lại chính quyền Assad.
Một nghị sỹ giấu tên cho biết ông Hagel cũng đã đặt câu hỏi về chính sách của Tổng thống Obama khi chỉ sử dụng không lực trong cuộc chiến chống lại IS tại Iraq và Syria, và loại trừ khả năng triển khai bộ binh Mỹ. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Iraq, người đã biết Bộ trưởng Hagel trong nhiều năm, nói: "Ông ấy đã thiếu thận trọng. Ông ấy muốn đẩy mạnh hơn chiến dịch chống IS tại Iraq, và đây có thể là điểm bất đồng giữa ông ấy và Tổng thống Obama".
Ông David Rothkopf, Tổng Biên tập tạp chí Chính sách Đối ngoại và là tác giả cuốn sách mới về Hội đồng An ninh Quốc gia đánh giá việc "sa thải Chuck Hagel là một triệu chứng của căn bệnh đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm an ninh quốc gia của ông Obama chứ không phải là một liệu pháp cứu chữa".
Theo ông, căng thẳng với ông Hagel đã phần nào phản ánh xu hướng của Nhà Trắng là "dao động và quay lưng với lời khuyên của quân đội". Ông Rothkopf nhấn mạnh: "Sự thay đổi thực sự cần diễn ra là ở bên trong Nhà Trắng, và điều này có nghĩa là không chỉ với các cố vấn cấp cao mà còn với bản thân Tổng thống Obama".
Việc ông Hagel từ chức sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Obama thổi luồng sinh khí mới vào ban lãnh đạo Lầu Năm Góc ở thời điểm chính quyền Mỹ đang bị bủa vây bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ cuộc chiến chống lực lượng IS tới khủng hoảng Ukraine cũng như việc tiếp tục hoạt động quân sự tại Afghanistan.
Nhiều người cho rằng có khả năng Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ Bộ trưởng Quốc phòng. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách chính sách bà Michele Flournoy hiện đang là ứng cử viên số một thay thế ông Hagel.
TTK