Đằng sau việc Saudi Arabia từ chối ghế tại LHQ

Ngày 18/10, Saudi Arabia thông báo từ chối ghế ủy viên không thường trực tại HĐBA Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2 năm - một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” khiến không ít người ngạc nhiên.

Tín đồ Hồi giáo hành lễ tại thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Ảnh: AFP-TTXVN


Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết quốc gia này không thể hoàn thành trách nhiệm được giao vì LHQ bị chi phối bởi các “tiêu chuẩn kép”, nghĩa là với nước này thì áp dụng một đằng, với nước khác áp dụng một nẻo.


Chẳng hạn, Saudi Arabia tố cáo HĐBA đã buông lơi trách nhiệm khi không đưa ra được một nghị quyết đối với vấn đề Palestine, không ngăn chặn được sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (nhất là vũ khí hạt nhân) ở Trung Đông cũng như không ngăn được chế độ Syria giết hại dân thường vô tội.
Những chỉ trích của Saudi Arabia được xem là cách gián tiếp phản đối Mỹ - nước có liên quan mật thiết tới các vấn đề trên. Đây là điều đáng chú ý trong bối cảnh Saudi Arabia được xem là đồng minh gần gũi với Mỹ.


Tuy nhiên, theo mạng tin "Stratfor", đằng sau lời giải thích của Saudi Arabia cho việc không muốn nhận “ghế” tại LHQ là những vấn đề liên quan đến nội bộ chính trị ngày càng không thuận lợi của nước này. Động thái chưa từng có tiền lệ này cũng liên quan chặt chẽ tới sự thay đổi chính sách của Mỹ với khu vực.


Ba xu hướng chính xác định môi trường chính trị của Saudi Arabia bao gồm: Thứ nhất, đang có sự chuyển đổi mang tính lịch sử trong nước khi thế hệ thứ ba của hoàng gia Saudi Arabia lên nắm quyền sau khi người con cuối cùng của những nhà lập quốc ra đi. Thứ hai, giai đoạn chuyển đổi quan trọng này diễn ra đồng thời với tình trạng bất ổn an ninh chính trị trong khu vực, sau khi một loạt chế độ chuyên quyền sụp đổ hoặc suy yếu. Thứ ba và quan trọng nhất, Saudi Arabia đang cố gắng chèo lái đất nước vượt qua những thách thức trong nước và trong khu vực trong khi đối thủ truyền kiếp của mình là Iran đang tìm cách củng cố và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị bằng một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ có thể xảy ra với Mỹ, người bảo hộ của Saudi Arabia suốt gần 70 năm qua.


Lý do lớn khác liên quan đến vai trò của Mỹ trong khu vực. Tình hình phức tạp ở Trung Đông gây ra mối đe dọa không tránh khỏi cho an ninh của Saudi Arabia và các công cụ bấy lâu để quản lý rủi ro (như sự hậu thuẫn không hạn chế của Mỹ) đang dần mất đi. Khi làn sóng bất ổn vươn tới Syria và biến thành cuộc nổi dậy vũ trang, người Arập nhận thấy cơ hội lịch sử để đảo ngược ảnh hưởng của Iran khỏi thế giới Arập. Saudi Arabia hài lòng khi thấy Mỹ chia sẻ các mục tiêu của mình ở Syria và hy vọng rằng các nỗ lực của quốc tế sẽ giúp lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad. Sự kiện vũ khí hóa học ngày 21/8 một lần nữa làm tăng hy vọng của Saudi Arabia rằng Mỹ sẽ triển khai hành động quân sự nhằm loại bỏ hoàn toàn các đồng minh của Iran ở Damacus. Nhưng lạc quan này quá ngắn ngủi với việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Nga không tiến hành hành động quân sự chống Syria.


Hợp tác giữa Mỹ-Iran sau sự kiện 11/9 đã luôn làm giận dữ người Saudi Arabia nhưng nước này vẫn thấy an ủi phần nào vì những phi vụ hợp tác này phần lớn mang tính chiến thuật. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Iran gần đây lại đang trải qua bước chuyển đổi chiến lược, Riyadh không thể đứng nhìn và vì vậy nước này đã đưa ra nhiều cảnh báo trước các đe dọa từ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Iran.

Là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Arabia vẫn luôn là đối tác có trọng lượng trên toàn cầu và nước này đang hướng tới một chính sách ngoại giao độc lập với Washington.


Quyết định từ chối chiếc ghế Ủy viên không thường trực HĐBA và tố cáo cơ quan đầu não LHQ này thất bại trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và thế giới đã phản ánh bước đi đầu tiên trong chiến lược mới này của Saudi Arabia. Là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Arabia vẫn luôn là đối tác có trọng lượng trên toàn cầu và với tình thế khó khăn hiện nay, Saudi Arabia đang hướng tới một chính sách ngoại giao độc lập với Washington.


Theo Stratfor

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN