Đầu tư cổ phiếu ngân hàng cần tầm nhìn dài hạn

Thời gian gần đây cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư (NĐT) săn đón. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo không phải ngân hàng nào cũng có thể “chọn mặt gửi vàng”.

“Săn đón” ngân hàng tái cấu trúc


Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức thông qua việc sát nhập giữa Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và Maritime Bank (Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam); còn Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB - Malaysia) được nhận toàn bộ phần vốn góp của BIDV tại Liên doanh VID Public  và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi PBB thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cả 2 thương vụ này tuy mới chỉ được chấp thuận về nguyên tắc, nhưng được xem là những “phát súng” mở đầu cho M&A ngành ngân hàng (NH) 2015.

Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN


Thống kê cho thấy, có tới 12 NH có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng, như NamABank, VietBank, BaoVietBank, VietABank, PGBank, KienLongBank, Vietcapital Bank... Hiện các NH này  chỉ mới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng và đang đứng trước áp lực tái cơ cấu trong giai đoạn 2015. Tính ở thời điểm hiện tại, có đến khoảng 8 thương vụ sáp nhập NH được thị trường đồn đoán và trong đó có liên quan đến những NH đang có kế hoạch tăng vốn  như DongABank, NamABank, Eximbank.

Tuy vậy, ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng các thương vụ M&A sắp tới sẽ góp phần làm cho hoạt động NH lành mạnh hơn, nâng cao năng lực tài chính. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã săn đón gom các cổ phiếu (CP) NH đón đầu M&A.

Không chỉ NĐT nội mà các NĐT ngoại cũng quan tâm đến những NH này. Bởi theo  định hướng của Chính phủ, với các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu, nếu một nhà băng muốn tỷ lệ cổ phần cho NĐT nước ngoài vượt mức cho phép cũng sẽ được xem xét để nâng cao tiềm lực tài chính và đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. Lãnh đạo cấp cao một NH cho biết, sau quá trình tái cấu trúc, ngân hàng sẽ mời vốn ngoại. Tỷ lệ bán dự kiến gần 30% cho một NĐT chiến lược nước ngoài và nhiều khả năng là đến từ Nhật Bản.

Vẫn nghi ngại nợ xấu

Dù cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng tốt sau tái cấu trúc, nhưng theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư cần thận trọng “chọn mặt gửi vàng”.

Thực tế, nhiều NĐT đã đón đầu xu hướng M&A của các ngân hàng rất lâu, nhưng việc chia cổ tức dường như không thấy. Một cổ đông của Ngân hàng Southern Bank cho biết, đã mua và giữ cổ phiếu của nhà băng này từ năm 2009. Do thị trường khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm, nên chỉ trông chờ vào cổ tức để bù đắp phần nào. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, bà chưa nhận được một đồng cổ tức nào của nhà băng này.

Tại ĐHCĐ năm 2014, HĐQT Southern Bank cũng đã thẳng thắn cho biết, sẽ không chia cổ tức 2014 cho cổ đông và kể cả 2015 cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập vào Sacombank. Lý do được Southern Bank đưa ra là nợ xấu tăng trước tình hình khó khăn chung, lợi nhuận thu về được tập trung chủ yếu cho trích lập dự phòng rủi ro nên không còn để chia cổ tức.

Tương tự, các  Ngân hàng VietA Bank, DongA Bank, Maritime Bank hay SCB cũng không có chủ trương chi trả cổ tức cho cổ đông. Ngay cả các NH lớn khác tình trạng này cũng không khả quan hơn. Điển hình như Sacombank, trong 2 năm qua chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho các cổ đông. Hay tại Eximbank, do nợ xấu gia tăng, nên ngân hàng này cũng chưa tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, chính nợ xấu và tình hình hoạt động không mấy khả quan của các NH khiến lộ trình sáp nhập không được suôn sẻ. Còn theo TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hiện không phải ngân hàng nào cũng kiểm soát được rủi ro.

Với mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, TS. Lịch cho rằng, NHNN sẽ đẩy mạnh quá trình M&A các ngân hàng nhỏ, yếu kém và không loại trừ việc một số ngân hàng sẽ phải xử lý như VNCB. Vì thế, NĐT cần có tầm nhìn dài hạn khi có ý định rót vốn vào cổ phiếu ngành này.


Hải Yên


Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh phiên đầu tuần
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh phiên đầu tuần

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, bao gồm BVH, GAS, VIC, VNM... đã có phiên tăng giá mạnh trong ngày 4/8, kéo chỉ số VN-Index tăng hơn 5 điểm và tiến sát 600 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN