Đầu tư y tế cho vùng khó khăn: Thiếu trầm trọng nhân tài, vật lực

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là tại những tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn luôn là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, công tác y tế tại các địa phương này vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Thiếu trầm trọng nhân tài, vật lực


Những cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đang cần lắm sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả những chính sách ưu đãi đặc biệt để họ có thể yên tâm “bám” nghề.


Bức tranh đơn sắc


Theo một cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương thuộc diện khó khăn như Nghị quyết 30a/NQ - CP ngày 27/12/2008, ưu tiên hỗ trợ về mọi mặt cho 62 huyện nghèo. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các văn bản bổ sung thêm danh sách các huyện khác đang gặp rất nhiều khó khăn, cần được quan tâm đầu tư từ ngân sách Trung ương và huy động thêm từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; tổng số huyện khó khăn cần quan tâm đầu tư lên 94 huyện. Ngày 10/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2405/QĐ - TTg phê duyệt danh sách 2.333 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 - 2015. Trong đó, tỉnh có nhiều xã khó khăn nhất là Hà Giang với 140 xã, Cao Bằng 137 xã; Lào Cai 120 xã; Thanh Hóa 118 xã; Lạng Sơn 111; Sơn La 106 xã; Điện Biên 101 xã...

 

Cán bộ Trạm y tế xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu khám chữa bệnh cho nhân dân.


Về phía ngành y tế, thời gian qua, cũng tập trung củng cố, nâng cấp hầu hết các bệnh viện (BV) huyện vùng khó khăn từ nguồn vốn hỗ trợ theo QĐ 225/QĐ - TTg và từ nguồn trái phiếu chính phủ theo Quyết định số 47/QĐ - TTg. Ngoài ra, mạng lưới y tế cơ sở các tỉnh vùng Tây Bắc cũng đã được quan tâm đầu tư từ nguồn ODA, NGO của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Quỹ Toàn cầu… Tuy nhiên, nhiều trung tâm y tế huyện, sau khi tách ra từ BV huyện, chưa được đầu tư nên đang phải ở nhờ cơ sở của các BV huyện; nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vì vậy chưa đảm bảo.


Một khảo sát của Bộ Y tế tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là 20 tỉnh có huyện nghèo cho thấy, số lượng và chất lượng đội ngũ bác sỹ (BS) tại các huyện nghèo còn nhiều bất cập; một số BV đa khoa tuyến huyện chỉ có 6 - 7 BS. Tại các trung tâm y tế huyện số lượng BS còn hạn chế hơn với vẻn vẹn 4 - 5 BS. Chính vì vậy, chất lượng dịch vụ y tế tại các huyện nghèo còn rất hạn chế.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế:

Phải tăng mức lương khởi điểm

Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng: Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của BS cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì BS có thời gian đào tạo 6 năm; ngoài ra, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, BS sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các BV lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các ngành đào tạo bậc đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề.

 

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu:

Chú trọng đầu tư cho y tế tuyến huyện và xã

Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế Lai Châu đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân trong tình hình mới, thời gian tới ngành y tế Lai Châu sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các BV chuyên khoa phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tại chỗ như BV Sản Nhi, BV Tâm thần, đặc biệt sẽ trú trọng đầu tư hệ thống y tế tuyến huyện và xã. Đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt để phát triển y tế cho các đơn vị khó khăn, vùng xa của tỉnh. Tạo điều kiện để ngành y tế tỉnh Lai Châu được tham gia liên kết trong đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới với các BV đầu ngành và các trường đại học.


Cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế ở tuyến huyện đã vậy nhưng ở tuyến xã còn yếu và thiếu hơn rất nhiều. Ngoài một số trạm y tế (TYT) xã khu vực khó khăn được nâng cấp theo Chương trình 30a và nông thôn mới, hiện còn nhiều TYT đã xuống cấp, đang rất cần được cải tạo, xây mới. Hiện tại, trang thiết bị y tế của các TYT cơ bản mới đáp ứng trên dưới 60% so với danh mục quy định cho TYT. Điều đáng nói là tại nhiều địa phương, tỷ lệ BS làm việc tại TYT rất thấp như: Bắc Kạn có 56,6% BS làm việc tại TYT; Lào Cai 33,5%; Lai Châu 13,2%...


Cần ưu đãi đặc biệt


Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác, BS Lò Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: “Mặc dù chúng tôi rất cố gắng nhưng do cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chưa được đảm bảo nên trung tâm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”.


Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn đang phải mượn nhà ở của công nhân công trường thủy điện Lai Châu để hoạt động tạm. Do trang thiết bị chưa được cấp mới nên các cán bộ nơi đây phải sử dụng những thiết bị cũ, được điều chuyển về từ các đơn vị khác trong ngành. Đặc biệt, huyện Nậm Nhùn đang thiếu trầm trọng y sĩ, BS; nếu tính cả cán bộ y tế tại tuyến xã thì cả huyện Nậm Nhùn cũng chỉ có 93 y sĩ, BS, trong khi nhu cầu là gần 200 người.


Tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tình hình cũng tương tự. Ông Pờ Chín Củi, Trưởng phòng Y tế huyện Mường Khương cho biết: “Phòng Y tế huyện đang quản lý 16 TYT xã với 96 nhân viên y tế tuyến xã và 219 nhân viên y tế thôn bản, nhưng các TYT này đều không có BS, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vì vậy gặp rất nhiều khó khăn”.


BS Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cũng cho biết: “Khó khăn lớn nhất là các TYT không có BS, trong huyện chỉ có 2/14 TYT có BS. Sở dĩ TYT xã cần có BS là vì người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và họ sẽ yên tâm điều trị ở tuyến cơ sở hơn. Đơn cử, chỉ BS mới được phép kê đơn một số loại thuốc, khả năng chẩn đoán bệnh của các y sĩ không thể bằng BS nên tại những TYT không có BS, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến thường cao hơn, gây khó khăn cho cả người bệnh”.


Cũng theo BS Thế, trong vòng 5 năm trở lại đây Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã cử 11 cán bộ đi học BS nhưng nay chỉ có 4 người về công tác tại địa phương. Vì thiếu BS nên dù một số TYT được cấp máy siêu âm, máy điện tim, ghế chăm sóc răng miệng… nhưng cũng đành để đấy vì y sĩ, nữ hộ sinh không biết sử dụng. Nguyên nhân khiến BS không chịu về y tế cơ sở là do điều kiện công tác, mức độ ưu đãi cho cán bộ y tế vùng cao chưa thỏa đáng.


Thực ra, không chỉ riêng những người trong cuộc như BS Nguyễn Văn Thế mới hiểu rõ vì sao cán bộ y tế vùng khó khăn ngày càng mai một, mà nhiều nghiên cứu của Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân chính do môi trường và điều kiện làm việc tại những địa phương này còn nhiều bất cập; các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ để thu hút và duy trì được đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn, đặc biệt là BS. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các vùng khó khăn, không có cách nào khác là chính ngành y tế và lãnh đạo UBND các địa phương cần đề xuất, ban hành những chính sách mới, tập trung ưu tiên nguồn lực để cải thiện điều kiện sống và làm việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở. Có như vậy thì những chiến sĩ áo trắng ở những vùng khó khăn mới yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Phương Liên - Lê Hoàng - Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN