Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 87% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 37%; đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế. Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định: Dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh.
Cán bộ CCVC các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Giang tham gia học lớp tiếng Mông khóa VII năm 2011. |
Ông Long Hữu Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc tại vùng đồng bảo để vận động đồng bào chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật cả Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo; nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... là yêu cầu cơ bản, thiết yếu đối với mỗi cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi của Hà Giang hiện nay. Ngoài mục đích phục vụ công tác vận động quần chúng, dạy và học tiếng Mông còn nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
Anh Nguyễn Hồng Phong, quê ở tỉnh Phú Thọ là cán bộ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang được tăng cường về công tác tại xã Nghĩa Thuận. Đây là xã vùng cao biên giới của huyện Quản Bạ với trên 90% dân tộc Mông sinh sống. Là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, làm thế nào để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, bảo vệ đường biên mốc giới và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh luôn trăn trở phải học được chữ và tiếng Mông thì người chiến sỹ biên phòng mới nghe được bà con nói, hiểu được bà con làm và truyền đạt được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con. Anh đã quyết định dành thời gian tham gia học lớp học chữ và tiếng Mông. Qua một thời gian tham gia học lớp, anh thấy khi biết và hiểu được tiếng của đồng bào thì mọi việc được triển khai rất hiệu quả. Ở đồn Biên phòng Nghĩa Thuận hiện đã có trên 70% cán bộ, chiến sỹ của đồn biết và nói được tiếng Mông.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Hà Giang chú trọng việc dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông. Tỉnh đã biên soạn thành công giáo trình giảng dạy là Bộ Tài liệu dạy chữ và tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, công chức tỉnh Hà Giang, xuất bản năm 2008. Đây là bộ giáo trình có nội dung rất phù hợp với đặc thù ngôn ngữ vùng dân tộc Mông ở Hà Giang và được đưa vào giảng dạy đầu năm 2009. Từ năm 2006 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng mở được 6 lớp bồi dưỡng chương trình học tiếng Mông cho trên 2.000 cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh.
Tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng chương trình học tiếng dân tộc Mông khóa VII năm 2011 cho 216 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh do Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh và trường Cán bộ Dân tộc - Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 6/11 tại thành phố Hà Giang. Ông Quàng Văn Tịch, Hiệu trưởng trường Cán bộ Dân tộc - Ủy ban Dân tộc cho biết: Việc triển khai dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc Hà Giang những năm qua đã cho thấy tỉnh Hà Giang rất chú trọng việc dạy chữ và tiếng dân tộc. Đây là điều kiện tốt để mỗi cán bộ công chức của Hà Giang khi đi công tác ở cơ sở trực tiếp giao tiếp, trao đổi công việc cụ thể với bà con dân tộc Mông. Từ đó mỗi cán bộ công chức của Hà Giang sẽ thực hiện tốt hơn công tác dân tộc với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào.
Bài, ảnh: Minh Tâm