Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Kon Tum đã được triển khai sâu rộng. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chương trình này đã gặt hái được nhiều kết quả. Chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chính thức triển khai từ năm học 2008 - 2009, với 10 lớp dạy tiếng Bahnar tại 4 trường tiểu học Đăk Rơ Wa, Ngọc Bay, Bế Văn Đàn (thành phố Kon Tum) và Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), với hơn 200 học sinh theo học; 2 lớp dạy tiếng Jrai tại trường tiểu học Ia Chim 1 và Ia Chim 2, cho 49 học sinh.
Dạy tiếng dân tộc cho học sinh từ lúc các em mới bắt đầu đi học. Ảnh: Mộc Thanh |
Trong năm học 2009 - 2010, chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số tiếp tục được mở rộng tại hai trường tiểu học Hùng Vương và Lê Văn Tám (huyện Sa Thầy), với 48 học sinh. Tiếp tục đưa tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy, bảo đảm số học sinh người dân tộc thiểu số được học chữ ngày càng tăng, năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh Kon Tum đã có 15 trường dạy tiếng dân tộc Bahnar và Jrai, trong đó có 10 trường dạy tiếng Bahnar với 822 học sinh, 5 trường dạy tiếng Jrai với 269 học sinh. Nhìn chung, đến thời điểm này, đa số học sinh theo học đều nắm được kiến thức kỹ năng cơ bản của chương trình. Kết quả tổng kết năm học 2013 - 2014: Tỷ lệ học sinh đạt trung bình trở lên là 98,5%, trong đó khá, giỏi đạt tỷ lệ 53,4%.
Bên cạnh đó, công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng được quan tâm và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2013, các Trung tâm giáo dục thường xuyên đã mở được 71 lớp, với 3.449 cán bộ, công viên chức theo học các thứ tiếng như Xơ Đăng, Bahnar, Jrai, Dẻ Triêng. Hầu hết các học viên theo học đều đã phát huy được hiệu quả khi về địa bàn công tác, đã thực sự xóa khoảng cách ngôn ngữ giữa cán bộ, công viên chức với người dân bản địa.
Nhiều giáo trình song ngữ đã được biên soạn để các trò vừa học tiếng Việt vừa học tiếng của dân tộc mình. Mộc Thanh |
Bà Phạm Thị Trung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, khẳng định: Công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông và cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Số học sinh dân tộc thiểu số được xóa mù chữ ngày càng cao, các cán bộ, công chức, viên chức sau khi theo học đã phát huy được hiệu quả trong công tác nắm địa bàn, giao tiếp với người dân bản địa góp phần vào công tác phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 6 dân tộc tại chỗ với nhiều nhóm địa phương cư trú đan xen, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng mù chữ vẫn tồn tại. Hy vọng với sự đầu tư và quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum sẽ đạt được những kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Quang Thái