Thời gian qua, việc những cán bộ Biên phòng (BĐBP) nói chung và BĐBP tỉnh Lào Cai nói riêng, tăng cường làm cán bộ ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn, càng tô đậm thêm vai trò của người lính Cụ Hồ. Họ không chỉ là một người lính, mà còn mang thêm trọng trách của một cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương.Bài 2: Đảm nhiệm hai vai tròCây quýt thích nghi với vùng đất Mường Khương... |
Tham gia làm cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình (năm 1999), Thiếu tá Trần Xuân Khánh được điều động về làm Phó Bí thư xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, rồi năm 2007, khi cơ sở Đảng ở đây đã phát triển và đi vào ổn định, anh lại được điều động làm Phó Bí thư thường trực xã Tung Chung Phố. Với thâm niên hơn 15 năm tăng cường làm cán bộ xã, cái tên Trần Xuân Khánh đã trở nên thân thương với đồng bào hai xã biên giới.
Bằng sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, thiếu tá Trần Xuân Khánh đã củng cố lại hệ thống chính trị cơ sở, điều chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ xã Tung Chung Phố; tập trung thiết lập lại trật tự tại những xóm vùng cao vốn tình hình an ninh không ổn định; duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, quán triệt, học tập các văn bản của Đảng đầy đủ, kịp thời; trên cơ sở đó để cán bộ, đảng viên phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người hiểu và chuyển biến trong tư tưởng, hành động, tích cực lao động sản xuất. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nhân dân.
Thiếu tá Trần Xuân Khánh đã tham mưu thực hiện trồng cây ngô lai tăng vụ ở những diện tích đất phù hợp, trồng thử nghiệm cây quýt từ năm 2009, đến nay cây quýt đã phát triển lên tới trên 70 ha ở các thôn Dì Thàng và Tả Chu Phùng, với chất lượng tốt, giá cả cao, hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các nông hộ. Ngoài trồng quýt, đồng bào còn có thể trồng xen canh các loại cây rau màu khác.
...đã trở thành cây trồng hàng hóa. |
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tung Chung Phố đã giảm xuống còn trên 43%, giảm gần 34% so với năm 2010. Tình hình an ninh trật tự cũng từ đó ổn định, không còn những xáo trộn, mất đoàn kết trong thôn bản. Công tác phát triển Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở được đẩy mạnh. Từ năm 2010 đến nay, xã đã kết nạp được 40 đảng viên, xóa xong xóm trắng về đảng viên. Đảng bộ xã Tung Chung Phố nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, thiếu tá Trần Xuân Khánh cho biết: “Thời gian đầu làm quen với cương vị mới thật khó khăn, phải học tiếng dân tộc, tìm hiểu các phong tục của đồng bào để thuận lợi trong công tác. Việc đầu tiên là vận động cán bộ địa phương từng bước thay đổi lề lối làm việc, tham mưu cho cấp ủy củng cố các ban, ngành, đoàn thể để thúc đẩy các phong trào. Tiếp đến, để tham mưu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tôi phải đi sâu tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, khả năng sản xuất của đồng bào”.
Để hiểu nhân dân và được nhân dân tin tưởng, anh Khánh luôn "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) với bà con với phương châm “gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”.
Con đường dẫn vào thôn Lũng Pâu 2 nay đã được mở rộng, mùa khô xe máy có thể vào đến được tận thôn. Những bãi đất hoang nay trở thành ruộng trồng ngô, lúa và rau. Nhiều nhà đã có chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên bếp lửa đang bập bùng cháy, đôi mắt ánh lên niềm vui, anh Hoàng Sín Nỷ, thôn Lũng Pâu 2 xúc động nói: "Trước đây Lũng Pâu nghèo xơ xác. Cuộc sống quanh năm thiếu đói, nhờ cán bộ Khánh, đồng bào đã biết khai hoang sản xuất, làm lúa nước, trồng cây màu, cho con cháu đến trường học cái chữ để sau này làm cán bộ”.
Bài và ảnh: Trọng Thủy