Hôm qua (3/6), thí sinh cả nước bước vào ngày thi thứ hai, kì thi tốt nghiệp THPT với hai môn Địa và Sinh. Theo nhận xét của các thí sinh và giáo viên, đề thi hai môn này bám sát nội dung chương trình học, có tính phân loại cao. Muốn được điểm cao, thí sinh phải hiểu vấn đề chứ không thể chỉ học thuộc lòng.
Biển đảo “nóng” trong đề thi Địa
Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa sáng qua. Đề thi được đánh giá là tương đối mở, đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt được những thông tin thời sự của đất nước và các em có thể bày tỏ được suy nghĩ, đánh giá của mình.
Thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sau khi kết thúc môn thi Sinh học chiều 3/6. Ảnh: Thu Trang |
Thí sinh Phạm Đức Hiếu (THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho biết: “Đề thi không khó, nhiều câu mở, mang tính thời sự. Em hay xem chương trình thời sự nên làm bài tương đối ổn và khá tự tin”. “Phần 1, câu thứ 3 em thấy rất hay vì vấn đề biển đảo hiện đang rất “nóng” và được nhiều người quan tâm”, thí sinh Trần Công Duy (THPT Đông Đô) chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều thí sinh, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và các dạng bài tập thì thí sinh có thể làm được 80 - 90% đề thi môn Địa. Ngoài câu hỏi về biển đảo, đề thi Địa năm nay còn đề cập đến một vấn đề thời sự khác là việc làm. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng do tình hình kinh tế khó khăn, đề thi Địa buộc thí sinh phải tư duy với câu hỏi: "Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế xã hội lớn ở nước ta hiện nay?".
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD - ĐT cuối ngày 3/6, trong buổi thi thứ hai, có 942.670 thí sinh đến dự thi, đạt 99,64%. Theo đánh giá ban đầu, đề thi các môn Địa lí và Sinh học có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức với thí sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân loại trình độ thí sinh. Trong ngày thi thứ hai, có 15 thí sinh bị đình chỉ thi và 1 cán bộ bị đình chỉ công tác phục vụ thi. |
Thí sinh Thanh Trúc tại hội đồng thi THPT Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mọi năm, đề thường có câu hỏi về 7 vùng kinh tế trọng điểm nên em tập trung học ở phần đó; nhưng năm nay đề lại không ra vào phần đó”.
Đánh giá đề thi Địa lý sáng qua, thầy Tôn Thất Nghĩa, giáo viên Địa lý trường THPT Quốc tế Á Châu, TP Hồ Chí Minh cho biết, đề thi Địa không khó nhưng các thí sinh khó đạt được điểm cao. Nếu các em chỉ học trong sách giáo khoa mà không có kỹ năng vận dụng những kiến thức đó vào tình hình thực tế thì chỉ đạt khoảng 5 - 6 điểm. “Câu về biển đảo không quá bất ngờ vì đây là nội dung nằm trong sách giáo khoa và mấy năm gần đây đều ra phần này”, thầy Nghĩa phân tích thêm.
Đề thi Sinh khó hơn năm ngoái
Đề thi môn Sinh được thí sinh đánh giá là bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng tương đối khó. Với những thí sinh không theo khối B chỉ có thể đạt điểm trên trung bình. Hoàng Đức Anh (THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết: “So với năm ngoái thì đề Sinh năm nay khó hơn, vì tuy bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng cũng có những câu hỏi nâng cao”.
Thí sinh Bùi Mỹ Hạnh (THPT Marie Curie) cũng cho biết: “Học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản từ lớp 11 mới có thể làm được bài. Phần bài tập khó, có khoảng 10 câu, chủ yếu là phần gen, di truyền, kiểu hình. Em hi vọng được 6 - 7 điểm”. Còn đối với các thí sinh thi khối B (Toán, Hóa, Sinh), đề Sinh tốt nghiệp không khó. Thí sinh Trần Mạnh Cường (lớp 12A4, THPT Chu Văn An) tự tin nói: “Đề thi năm nay khá dễ, chắc chắn em sẽ được trên 9 điểm. Em chỉ làm bài thi trong vòng 15 phút”.
Tại hội đồng thi THPT Ngọc Hồi, Hà Nội, thí sinh Tôn Khánh vui vẻ cho biết: “Em chỉ làm bài trong 30 phút. Thời gian còn lại, em soát lại bài. Em thấy đề thi này có 2 - 3 câu khó nằm ở phần di truyền, phần còn lại đều dễ”. Ngược lại, thí sinh Dương Thùy Linh, hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi, Thường Tín lại “than trời” vì đề khó. Linh cho biết: “Em đã so sánh với đáp án trên mạng và thấy mình chưa được 5 điểm”.
Tại hội đồng thi THPT Gia Định, TP Hồ Chí Minh, thí sinh Vũ Thị Bảo Trinh phấn khởi cho biết: “Đề thi vừa sức không quá khó đối với học sinh không chuyên như tụi em, tuy nhiên phần bài tập thì em phải mất nhiều thời gian để tính toán. Có một vài câu khó “gài” thí sinh nhưng nếu đọc kỹ và biết vận dụng những kiến thức đã học thì cũng có thể làm được”. Như vậy, đề thi môn Sinh đã có tính phân loại rất cao.
Nhận định về đề thi Sinh học, cô Nguyễn Minh Vân, giáo viên trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết: “Đề thi năm nay hay, đúng kiến thức kỹ năng của chương trình giảm tải. Tuy nhiên, so với năm trước thì đề năm nay có nhiều câu phân loại học sinh. Đề thi phủ rộng kiến thức chương trình lớp 12 và đưa nổi bật được trọng tâm chương trình biến dị, di truyền và biến hóa”. Theo cô Vân, đề thi không có câu nào đánh đố nên học sinh có lực học trung bình nếu chăm chỉ học sẽ được đạt 6 - 7 điểm.
Đan Phương - Thu Trang - Hoàng Dương