Những bất cập trong việc triển khai Nghị định số 79/2012/NĐ - CP (NĐ 79) cần phải được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế.
Một trong những bất cập được đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) chỉ ra: Biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang là hai lĩnh vực khác nhau, vì vậy thủ tục cấp phép cần phải được tách ra và hướng dẫn cụ thể. Trong khi hiện nay Nghị định 79 (NĐ 79) lại gộp vào một quy định chung là chưa phù hợp. “NĐ 79 cũng chưa có điều khoản nào quy định xử phạt về việc cấm cho mượn, thuê giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, trong khi đây lại là một thực tế thường xuyên diễn ra. Ngoài ra, Thông tư số 03 (hướng dẫn thực hiện NĐ 79) cũng chưa hề có quy định chi tiết đối với việc xử lý người đẹp, người mẫu vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội... Mà đã không quy định thì dựa trên căn cứ nào để xử lý”, đại diện này cho biết.
Đàm Vĩnh Hưng mặc áo bác sĩ Cát Tường gây bức xúc dư luận nhưng cũng chỉ bị cảnh cáo nhắc nhở.Ảnh: vne |
Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL. Theo ông Phúc, kết quả từ đợt thanh tra, kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trong năm 2012 cho thấy, bất cập chung trong việc cấp giấy phép biểu diễn là Sở VHTTDL nhiều tỉnh, thành phố không áp dụng biểu mẫu cấp phép biểu diễn và tiếp nhận biểu diễn của địa phương còn chưa đúng quy định của NĐ 79. Ví dụ, hồ sơ tiếp nhận biểu diễn có ca sỹ hải ngoại, nhưng chưa có văn bản theo quy định như quyết định cho phép của Cục NTBD. Thậm chí có địa phương còn tiếp nhận ca sỹ hải ngoại bằng... giấy ủy quyền.
“Để Nghị định 79 thật sự đi vào đời sống, góp phần làm sạch môi trường biểu diễn nghệ thuật, cần tăng cường thêm lực lượng thanh, kiểm tra quyết liệt ở khâu hậu kiểm. Ngoài ra, cần xây dựng hồ sơ dữ liệu cụ thể các bài hát, vở diễn được phép lưu hành để tạo thuận tiện trong việc quản lý NTBD. Cần quy định cụ thể hơn về trang phục, hóa trang trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang...”.
Đại diện Sở VHTTDL Ninh Bình |
Có nơi cấp phép biểu diễn cho quá nhiều tiết mục, không phải là chương trình biểu diễn quy định. Bên cạnh đó, việc thành lập doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hiện khá dễ dàng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Có những doanh nghiệp tổ chức biểu diễn bị tước giấy phép hoặc bị đình chỉ quyền tổ chức biểu diễn, nhưng chỉ cần thay đổi tên là có thể hoạt động bình thường. Ông Phạm Xuân Phúc cho rằng, Cục NTBD cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định về việc tiếp nhận các ca sỹ ở nước ngoài về biểu diễn tại Việt Nam với mục đích doanh thu.
NSƯT Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cũng thừa nhận, quá trình thực hiện NĐ 79 đã bộc lộ những bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý. Cụ thể, một số công ty tổ chức biểu diễn xin cấp phép biểu diễn ở địa phương này nhưng lại tổ chức biểu diễn ở địa phương khác, điều này khiến cho việc quản lý, giám sát rất khó khăn, nhất là khi xảy ra những vấn đề phản cảm liên quan đến biểu diễn, trang phục, hóa trang của nghệ sỹ diễn viên vì không có căn cứ, cơ sở để xem xét xử lý.
Theo NSƯT Trần Quốc Chiêm, để linh hoạt và phù hợp hơn với thực tế, Bộ VHTTDL nên cho phép Sở VHTTDL nơi cấp phép biểu diễn nghệ thuật (nhưng không có điều kiện tổ chức duyệt chương trình hoặc điều kiện không phù hợp) có thể ủy quyền để các tỉnh, thành phố khác nơi diễn ra chương trình hoạt động biểu diễn nghệ thuật duyệt thay. Địa phương nào cấp phép cho các chương trình nhưng không có điều kiện tổ chức duyệt thì có văn bản gửi Sở VHTTDL nơi diễn ra chương trình, sự kiện có thể duyệt thay.
Đặc biệt, nhiều nghệ sỹ, nhà quản lý cho rằng, ngoài những giải pháp mang tính quản lý, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao nhận thức thẩm mỹ và đạo đức của người biểu diễn. Đồng thời, cần phải đào tạo, định hướng về thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là cho giới trẻ. Có như vậy mới có thể giải quyết tận “gốc” những biểu hiện thiếu thẩm mỹ xảy ra trong giới biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như hiện nay.
Phương Hà