(Đọc “Sẫm Violet”, tập truyện, Nguyễn Văn Thọ, NXB Hội nhà văn 2013)
Truyện của Nguyễn Văn Thọ luôn dồi dào nhiệt tâm trong lời kể - một thứ năng lượng rất có vẻ chiến sĩ, như là cảm thấy có bổn phận viết ra, thể hiện, kể lại. Ý tứ ấy, và nhiệt tâm ấy bộc lộ đầy tràn trên mỗi lời kể và trên câu chữ của tác giả. Trong tập truyện Sẫm Violet, những điều bộc lộ dường như còn chưa thỏa mãn, dù đã dùng đến một đảo ngữ: sẫm-violet.
Cả một câu chuyện dựng lên từ kỷ niệm mong manh, như “hoa violet” vậy, để gắng làm nổi bật cái nền của bức tranh, cái nền những mối thâm tình giữa những cựu chiến binh không quen biết nhưng chia sẻ cùng một quá vãng chiến trường. Tình ý này xuyên suốt tập truyện.
Trong mười một truyện của tập thì bảy truyện xoay quanh “tình” của người chiến sĩ ở chiến trường và khi họ là những cựu chiến binh. Kể điều đó để kể những kinh nghiệm làm người hay tư cách làm người.
Những truyện như thế đều rất cảm động. “Tấm chăn màu huyết dụ” kể mối tình trong trẻo mơ hồ giữa bốn anh bộ đội trẻ với năm cô TNXP giữa rừng Trường Sơn; mà lời ngỏ cũng là lời hứa hẹn tình yêu được gói ghém trong bốn chiếc chăn quân trang mới mà anh gửi tặng các cô trước lúc trở lại chiến trường. Hơn mười năm sau, hai trong số bốn chiến sĩ sống sót trở về, thấy lại chiếc chăn còn nguyên trong bọc – hai cô, trong số năm cô, đã đến từng nhà các anh gửi những chiếc chăn quý giá thời bấy giờ cho hai bà mẹ, rồi ra đi. Truyện “Tiếng khóc” kể trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự giữa lúc chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt; người trai trốn lại, muốn nấn ná mấy tháng với người yêu; rồi một ngày khi cô gái hẹn sẽ trao thân để rồi người trai sẽ rời cảnh trốn tránh ra nhập ngũ, thì một trận oanh tạc khu vực ngoại thành Hà Nội đã lấy mạng toàn bộ gia đình anh và cô gái cùng hơn một trăm cư dân ngôi làng... “Tình yêu người thợ giày” kể về lòng chung thủy và sự can trường một cựu chiến binh bị bệnh ung thư. Truyện “Lằn ranh kẻ cắp” phác họa một chân dung thân phận một thời mới đây của những cựu chiến binh; đặt giữa những cảnh huống, những thôi thúc quay quắt vì tiền, đã giữ được nhân cách đàng hoàng và phẩm chất cao đẹp. Truyện “Lạc tiên” hồi tưởng sinh động một tình bạn từ thuở học trò của hai cựu chiến binh và một tình yêu mơ hồ mới chớm bị cắt đứt ở vệt bom B.52 năm 1972 trên khu phố Khâm Thiên.
Trong những câu chuyện, giữa những hồi tưởng sống động, thường gặp được một vài tình tiết rất đáng kể, những tình tiết thuộc loại có thể làm thay đổi hướng tự sự, hoặc từ đó dựng lên được câu chuyện khác. Một thí dụ, ở “Tiếng khóc”, có hai cảnh tượng đưa ra đối sánh: cảnh nhang khói trong đêm ở ngôi làng ven Hà Nội bị bom tàn sát, và cảnh nhang khói trong đêm trên chiến địa sau trận đánh ở Đồng Dù (Tây Bắc Sài Gòn) – “Một rừng hương như đêm nào ở làng anh và, tiếng khóc của những người miền Nam rấm rứt khắp mảnh rừng cách đây không lâu, nơi có bao người lính đối phương đã trở thành kẻ xấu số cuối cùng của chiến tranh...” khiến truyện này gợi đến “Số phận con người” của M.Solokhov.
Trong những truyện ngoài đề tài chiến tranh, Nguyễn Văn Thọ hướng vào các mối quan tâm đương đại, rất rõ ở “Hương mỹ nhân” và “Nàng Dạ Minh Phượng”. Tác giả tỏ rõ hướng đi tự nhiên ra ngoài lối viết của thể loại truyện ngắn.
Các truyện kể lịch sử như thế gợi nghĩ đến một câu châm ngôn xưa nói rằng “Thú chết để da người ta để tiếng”.
Đời sau hay nghĩ lệch về phía: “tiếng” cũng chỉ là “danh”. Nhưng “tiếng” còn là (và căn bản là) “văn” theo cả hai nghĩa nghe - biết và dấu vết cái văn hóa con người.
Hàn Hoa