Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước...
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII chuyên về kiểm toán hoạt động nhằm triển khai thực hiện một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của Kiểm toán Nhà nước đã được quy định tại Điều 14 của Luật Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, chức năng của Kiểm toán Nhà nước gồm có "chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước". Các ý kiến cho rằng việc thành lập một đơn vị độc lập chuyên về kiểm toán hoạt động làm đầu mối theo dõi, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và chỉ đạo điều hành là cần thiết nhằm bảo đảm để Kiểm toán Nhà nước thực hiện có hiệu quả và đầy đủ chức năng của kiểm toán. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về đề xuất này của Kiểm toán Nhà nước và cho rằng cần có sự rà soát, làm rõ về chức năng nhiệm vụ của kiểm toán toán hoạt động để phân định rõ, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác, bảo đảm các hoạt động kiểm toán được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng cắt khúc trong quy trình kiểm toán...
Đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước. Nhiều ý kiến cũng tán thành với Tờ trình của Kiểm toán nhà nước về việc bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên các ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhiều nhiệm vụ chi cấp thiết, bức xúc cần được thực hiện nên kiểm toán nhà nước cần có trọng tâm và lộ trình phù hợp với nguồn lực thực tế; chỉ tập trung đầu tư cho các dự án đang thi công dở dang, các dự án thực sự cấp bách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; rà soát về quy mô, tiến độ thực hiện, tính toán nguồn lực cho hợp lý, bảo đảm phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ...
*Chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ quy hoạch tổng thể về thủy điện và cho ý kiến về tờ trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Qua rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp, đồng thời không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó đang vận hành 2 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.
Có ý kiến cho rằng, ngoài những yếu tố tích cực, phát triển thủy điện sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm thay đổi quy luật dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến vùng hạ lưu. Để có một bức tranh chung, tổng thể về những tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, xã hội, cần bổ sung thêm các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó nêu rõ cả vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc...
Cho ý kiến về Tờ trình Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số /2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Thường vụ Quốc hội nhận định: Dự án được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết về việc lựa chọn hướng tuyến, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm.
Dự án đã được xem xét và phân kỳ đầu tư một cách tương đối hợp lý cho từng đoạn tuyến căn cứ vào nhu cầu phát triển, khả năng cân đối vốn và tính phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ toàn quốc. Từ khi đưa tuyến đường vào khai thác đến nay đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, để có thể hoàn thành giai đoạn 2 và nâng cấp mở rộng đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ) vào năm 2015, nhu cầu vốn còn thiếu khoảng 24.003 tỷ đồng.
Băn khoăn lớn nhất của Thường vụ Quốc hội vẫn là nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư. Về nguồn vốn, trong Nghị quyết điều chỉnh chưa rõ, có ưu tiên vốn hay không, tiền đâu để làm, khi nào làm, cái nào trước và cái nào sau, ngoài nguồn vốn trái phiếu, các nguồn vốn khác là nguồn nào? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định, Quốc hội giao Chính phủ lo nguồn vốn, ban hành chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội cần thể hiện rõ ràng, từ tiến độ dự án, nguồn vốn, số vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ đến phân kỳ đầu tư, điều chỉnh hướng tuyến, mặt cắt..., không thể làm chung chung theo kiểu tùy khả năng, tùy điều kiện hoàn cảnh.
Quỳnh Hoa - Thanh Vân