Đèn LED “thắp sáng” Nobel Vật lý 2014

Bóng đèn LED, một loại đèn dùng nguồn ánh sáng thân thiện với môi trường và tốn ít năng lượng, đã “thắp sáng” giải Nobel Vật lý năm 2014, đồng thời làm rạng tên tuổi của ba nhà khoa học gốc Nhật Bản.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 7/10 đã vinh danh ba nhà khoa học là Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura, trong đó ông Nakamura mang quốc tịch Mỹ. Nhận định về phát minh đèn LED (điốt phát sáng), ban giám khảo nói đây là một phát minh mang tính cách mạng: “Bóng đèn dây tóc thắp sáng thế kỷ 20. Còn thế kỷ 21 sẽ được thắp sáng bằng đèn LED... Đèn LED mới chỉ ra đời cách đây 20 năm nhưng nó đã đóng góp tạo ra ánh sáng trắng làm lợi cho tất cả mọi người. Nhờ đèn LED mà giờ chúng ta đã có nguồn sáng thay thế hiệu quả hơn, lâu bền hơn cho nguồn ánh sáng truyền thống”. Thậm chí, thành viên Ủy ban Nobel Per Delssing còn ca ngợi: “Tôi thực sự nghĩ rằng ngài Alfred Nobel sẽ vui với giải này... Đó thực sự là điều mang lại lợi ích cho nhiều người nhất”.


Giới thiệu thành tựu nghiên cứu về đèn LED trong buổi lễ trao giải Nobel Vật lý tại thủ đô Stockholm ngày 7/10.


Đèn LED hứa hẹn nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 1,5 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với mạng lưới điện. Trong điều kiện đó, đèn LED có thể được thắp sáng nhờ nguồn năng lượng mặt trời rẻ tiền sẵn có.

Để tái tạo ánh sáng trắng của mặt trời, cần phải trộn lẫn ánh sáng xanh da trời, xanh lá cây và đỏ với nhau. Điốt xanh lá cây và đỏ đã có từ lâu nhưng phải mất ba thập kỷ người ta mới phát minh ra điốt phát sáng xanh da trời. Đột phá này diễn ra trong những năm 1990 khi ba nhà khoa học trên, với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, đã “bắt được” tia sáng màu xanh da trời từ chất bán dẫn trong phòng thí nghiệm.

Sự hòa trộn của ba loại ánh sáng này đã tạo một ánh sáng trắng, thắp sáng được hàng chục nghìn giờ và chỉ sử dụng một phần nhỏ năng lượng so với đèn dây tóc mà Thomas Edison phát minh ra trong thế kỷ 19. Đèn LED tân tiến nhất hiện nay có thể tiết kiệm điện năng tới gần 20 lần so với bóng đèn thông thường và hiệu quả ánh sáng được cải thiện rõ ràng. Đèn LED được dùng phổ biến trong máy tính, TV, đồng hồ đeo tay và màn hình điện thoại di động.
Không chỉ vừa rẻ tiền vừa hữu hiện, đèn LED còn góp phần lớn vào cuộc chiến chống sự ấm lên toàn cầu. Nhiều nước đang khuyến khích người dân chuyển sang dùng đèn LED để hạn chế khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch vốn được dùng để sản xuất điện.

Các chủ nhân của Nobel Vật lý đều vô cùng ngạc nhiên và vinh dự khi biết tin về giải thưởng. Ba nhà khoa học sẽ cùng nhau “ẵm” 1,1 triệu USD vào lễ trao giải ngày 10/12 tới.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN