Bản Khá, bản Co Cáng (phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) nằm cách trung tâm phường Nam Thanh chưa đầy 1km, nhưng lại luôn trong cảnh khói tỏa mờ che... từ chính những chiếc lò vôi thủ công có độ tuổi “quá đát” trên 10 năm nay. Không khí bị ô nhiễm từ khói bụi lò vôi thải ra đã khiến hàng trăm người dân các bản trên phải sống trong tình trạng khó thở, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp rất cao. Dù người dân đã phản ánh nhiều lần lên các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, nhưng các lò vôi trên vẫn ngang nhiên hoạt động.
Chúng tôi tìm đến hai bản Khá và bản Co Cáng vào lúc các lò vôi ở đây đang nung đá. Nhìn từ xa, hai cột khói tỏa ra mù mịt rồi theo chiều gió nhằm thẳng hướng bản Khá, bản Co Cáng bay vào. Để đến được bản Khá, chúng tôi phải "chui" trong khói, bụi than và xỉ một quãng dài hơn 30m, do hai lò vôi “tọa lạc” gần đường thải ra.
Có mặt tại gia đình chị Lường Thị Thu (bản Khá), chúng tôi được chị Thu giãi bày: “Nhà tôi cách lò vôi chưa đầy 50m, mỗi khi họ đốt vôi, gia đình tôi phải ra khỏi nhà “lánh nạn” bởi không chịu được mùi khói, bụi”. Quan sát khuôn viên căn nhà của gia đình chị Thu, chúng tôi thấy khói bụi bám đầy trên vách gỗ, cột nhà sàn. Tuy đang độ mặt trời đứng bóng, nhưng trong nhà chị cứ lờ mờ như có hơi sương, do bụi bẩn và khói. Đứng một lúc trong căn nhà, chúng tôi không chịu được mùi khói lò vôi nên phải ra ngoài. Chị Thu cho biết thêm: “Nhiều lúc tôi cũng thấy khó thở, buồn nôn khi ở lâu trong nhà, vào lúc các lò vôi hoạt động”.
Cùng với gia đình chị Thu, gần 200 hộ, trên 750 nhân khẩu của bản Khá, bản Co Cáng cũng phải chịu chung “thảm họa” trên. Theo phản ánh của nhiều người dân ở bản Khá, nhiều trẻ em trong 2 bản trên cũng mắc triệu chứng ho hen, ốm đau thường xuyên. Không chỉ trẻ em bị ho mà người lớn cũng mắc triệu chứng khó thở. Cảnh các nhà phải đóng kín cửa để hạn chế khói bụi bay vào là một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua của người dân nơi đây.
Ông Trưởng bản Khá, Lường Văn Ngọc nói: Tình trạng ô nhiễm của lò vôi thì đã rõ hơn 10 năm nay rồi. Dân cũng phản ánh nhiều, nhưng các lò vôi không bị giải tỏa. Năm 2009, bên môi trường (Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố) xuống làm việc, xử lý và đình chỉ hoạt động, gia hạn đến tháng 3/2010 các lò nung vôi này phải dỡ bỏ. Nhưng chẳng hiểu sao đến nay, các lò vôi trên vẫn hoạt động, không những gây nguy hại đến sức khỏe, đời sống dân sinh mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Trước đây, những loại cây vải, nhãn, cọ, cho rất nhiều quả, nhưng từ khi có lò vôi, năng suất giảm đáng kể do bị rụng nhiều, những quả đậu được thì nhỏ hơn trước. Tuyến đường nhựa nối liền các bản Khá, Co Cáng, Pom Loi với quốc lộ 279, cũng xuống cấp do những chuyến xe quá tải, thường xuyên chở vật liệu cung cấp cho lò vôi, rồi lại chở sản phẩm đi bán.
Chủ nhân 2 lò vôi này đứng tên Đỗ Tất Hà và Nguyễn Văn Quyết. Năm 1999, lò vôi của anh Hà xây dựng tại khu nghĩa trang bản Khá, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong thời gian 3 năm. Song, đến thời điểm này, hiệu lực của giấy phép kinh doanh đã… “quá đát” gần 10 năm. Còn lò vôi của anh Quyết xây dựng sau, “ăn ké” địa điểm, hoạt động cạnh lò vôi của anh Hà. Mọi công việc ở hai lò vôi này đều hoạt động theo phương pháp thủ công.
Liên hệ với ông Bùi Xuân Khánh, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh để tìm hiểu thêm, khi biết chúng tôi đặt vấn đề làm việc liên quan đến môi trường tại các bản nêu trên, thì ông Khánh từ chối và hẹn dịp khác vì lý do… đang bận.
Hoạt động của hai lò vôi trên ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân các bản Khá, Co Cáng, Pom Loi, là điều không thể phủ nhận. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm giải tỏa các lò vôi trên, nhằm trả lại vẻ đẹp, sự yên bình, môi trường sống trong lành cho hàng trăm hộ dân các bản.
Xuân Tiến