Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN: TTXVN tích cực tuyên truyền về Thương hiệu Quốc gia Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề: “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và ủng hộ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các địa phương. Tôi hy vọng, những vấn đề trọng tâm được thảo luận trong Diễn đàn sẽ hết sức thiết thực, góp phần đưa vấn đề phát triển thương hiệu vùng miền, thương hiệu biển phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. TTXVN luôn xác định có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và quá trình triển khai thực hiện, trong đó có vấn đề xây dựng Thương hiệu Quốc gia. Với mạng lưới văn phòng đại diện tại 63 tỉnh thành trong nước và 30 văn phòng thường trú tại 28 quốc gia khắp 5 châu, TTXVN đã tích cực tuyên truyền về chương trình xây dựng Thương hiệu Quốc gia trên các sản phẩm thông tin của ngành cung cấp cho các cơ quan báo chí trong nước và thế giới cũng như tới cán bộ và nhân dân cả nước, gồm các bản tin bằng tiếng Việt, các ngoại ngữ chính và tiếng dân tộc thiểu số trên cả báo in, báo hình, báo điện tử. Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia: Thương hiệu là vấn đề then chốt Đây là cơ hội rất quan trọng và có ý nghĩa; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, địa phương trao đổi thảo luận làm rõ khái niệm cơ bản, liên quan đến thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, doanh nghiệp trong quá trinh hội nhập. Việc xây dựng thương hiệu vùng miền, thương hiệu biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương, nhà quản lý và cả doanh nghiệp. Diễn đàn Việt Nam 2013 với chủ đề: “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” được tổ chức vào dịp này nhận được sự quan tâm của Quốc hội và giới truyền thông vì liên quan đến lợi ích quốc gia, phát triển thương hiệu quốc gia. Mục tiêu lớn nhất của hai chương trình này nhận được sự quan tâm của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp bởi việc xây dựng được thương hiệu biển Việt Nam và thương hiệu vùng miền sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình nhận được sự đồng thuận, sự phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng thương hiệu vùng miền còn có rất nhiều hạn chế. Chúng ta mới đang đi những bước đầu tiên. Trong tiến trình hội nhập, việc xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn là vấn đề nóng bỏng, then chốt không chỉ của doanh nghiệp mà của cả nền kinh tế. Việc xây dựng thương hiệu vùng miền, thương hiệu biển cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường được năng lực khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Cần chiến lược thương hiệu cho hạt gạo ĐBSCL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, những nỗ lực to lớn của các tỉnh trong vùng, kết quả bước đầu trong tăng cường liên kết vùng và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Nhìn tổng thể, ÐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước; nhưng hầu hết các sản phẩm chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản này gắn với đặc thù vùng, miền, chỉ dẫn địa lí, gắn với các doanh nghiệp đủ mạnh, uy tín, yêu cầu liên kết vùng, liên kết bốn nhà... đã được đặt ra thời gian qua, nhưng đến nay kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Một chiến lược thương hiệu cho hạt gạo ĐBSCL nói riêng và các sản phẩm cá tra, tôm, các loại cây ăn trái đặc sản trong vùng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế đang trở thành đòi hỏi bức bách. Ông Lê Duy Truyền, Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Thông tin có hệ thống hơn về Thương hiệu Quốc gia Tuyên truyền về biển, đảo là một phần quan trọng trong nhiệm vụ thông tin của TTXVN. Các thông tin về biển, đảo được TTXVN tuyên truyền trên các mảng thông tin đối nội, đối ngoại; trên các ấn phẩm báo giấy như báo Tin Tức, Thể thao văn hóa…, báo điện tử như baotintuc.vn, Truyền hình thông tấn; bằng cả tiếng Việt, các thứ tiếng nước ngoài như trên báo Vietnam News, Le Courrier du Vietnam và thậm chí là cả tiếng dân tộc thiểu số… Với vai trò là hãng thông tấn quốc gia, TTXVN cũng đã tổ chức được tuyến thông tin phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; cung cấp thường xuyên, liên tục những thông tin về biển, đảo, tình hình phát triển kinh tế biển, đảo tại các địa phương cho các cơ quan báo chí khác trong cả nước. Trong thời gian tới, TTXVN sẽ tuyên truyền có hệ thống hơn về chương trình thương hiệu biển, chương trình thương hiệu quốc gia; làm tròn trách nhiệm của hãng thông tấn Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng của quốc gia. Ông Lê Cự Tân, Phó Tổng Giám đốc PTSC: Chìa khóa” để phát huy lợi thế biển Hiện nay, Tổng Công ty Cổ phần Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang cung cấp dịch vụ, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa nước ta. Việc xây dựng thương hiệu rất có ý nghĩa với doanh nghiệp chúng tôi. Có thể nói, giá trị thương hiệu sẽ góp phần rất quan trọng vào thành công của DN. Nó thể hiện qua doanh thu của chúng tôi trong 3 năm gần đây luôn đạt trên 1 tỷ USD lợi nhuận/năm. Tất cả 6 loại hình dịch vụ của PTSC hiện đều liên quan đến biển. Có thể khẳng định, phát triển kinh tế biển là “chìa khóa” để Việt Nam phát huy lợi thế biển. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành kết quả, đòi hỏi chúng ta cần có cả một quá trình. DN chúng tôi nói riêng, việc xây dựng thương hiệu biển nói chung hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bản thân PTSC có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo đó, các chuyên gia đầu ngành của PTSC đang bị rất nhiều đối tác khác muốn tuyển dụng. Mặt khác, công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh, trong khi thiết bị và công nghệ của chúng tôi được đầu tư trong thời gian qua chưa phải là tốt nhất. Chúng tôi định hướng sẽ phát triển thành tốp đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ dầu khí của khu vực đến năm 2020. Để mục tiêu này thành hiện thực, chúng tôi tập trung vào ba yếu tố: con người, đổi mới công nghệ và đào tạo; trong đó, con người là yếu tố mấu chốt, còn công nghệ và kỹ thuật là để hỗ trợ. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen: Phải coi xây dựng Thương hiệu Quốc gia là chiến lược Chương trình Thương hiệu Quốc gia có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta chỉ có thể hội nhập thành công với nền kinh tế toàn cầu khi có nhiều thương hiệu quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế. Nếu các DN Việt Nam không ý thức được tầm quan trọng của sự tự chủ thì nền kinh tế sẽ đứng trước sự rủi ro rất lớn. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu từ các DN FDI chứ không phải do DN Việt Nam. Do đó, nếu chúng ta không xác định việc xây dựng Thương hiệu Quốc gia là một chiến lược và có sự đầu tư thực sự thì tôi e rằng cơ hội của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển rất nhanh sẽ bị mất. Đối với Tập đoàn Tôn Hoa Sen, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm của thương hiệu mình. Những năm trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ đầu tư khoảng 20 - 30 tỷ đồng, riêng năm nay chúng tôi đầu tư 130 tỷ đồng cho việc xây dựng thương hiệu. Ở Việt Nam hiện có khoảng vài chục DN ngành tôn tham gia sản xuất, kinh doanh. Riêng thị phần của công ty chúng tôi đã chiếm khoảng 50%. Nhiều tập đoàn đa quốc gia không cạnh tranh được với Tập đoàn Tôn Hoa Sen về chất lượng, thương hiệu, hệ thống bán lẻ… Một phần thành công này cũng do Tôn Hoa Sen đã đầu tư thích đáng cho việc xây dựng thương hiệu. |