Nằm cách trung tâm huyện Hàm Yên hơn 40 km, Khau Làng và Cao Đường, xã Yên Thuận là 2 thôn thuộc vùng 135, đồng bào dân tộc Mông và Dao chiếm phần lớn dân số. Giao thông đi lại rất khó khăn cũng là lý do chính khiến nhiều năm qua điện chưa thể về với người dân trong thôn.
Với sự quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đầu năm 2019, con đường nối 2 thôn cùng nguồn điện lưới quốc gia đã đến được với người dân Khau Làng, Cao Đường. Sau nhiều năm sống dưới ánh đèn dầu nay được sử dụng điện lưới quốc gia nhân dân rất phấn khởi.
Những cột điện vững chãi hiên ngang, ánh điện chiếu sáng mọi nẻo đường đã và đang mang lại cho vùng quê nghèo một luồng sinh khí mới.
Ông Dương Minh Toàn, ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, nhớ lại trước đây không có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân rất khó khăn. Người dân không được tiếp cận thông tin qua ti vi, đài... Năng suất lao động thấp do sản xuất thủ công.
Anh Thào Chẩn Choa, cùng ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, cho biết trước đây chưa có điện nhân dân phải khắc phục bằng cách sử dụng các máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước. Dòng điện phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên không ổn định và rất yếu. Nay điện đã về đến thôn, ai nấy đều rất vui và phấn khởi.
Từ ngày có điện, gần 150 hộ dân ở 2 thôn Khau Làng, Cao Đường, xã Yên Thuận như được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Người dân được tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, để áp dụng những cách làm hay vào sản xuất. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn điện vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Anh Đặng Văn Thạch ở thôn Khau Làng, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, cho biết đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua máy xay xát phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên Ma Văn Tiến cho biết, dự án kéo điện về 2 thôn Cao Đường, Khau Làng có chiều dài hơn 9 km, kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Việc đầu tư điện lưới về 2 thôn Cao Đường và Khau Làng có ý nghĩa xã hội to lớn, bởi khi có điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, làm đổi thay bộ mặt nông thôn. Các em nhỏ có ánh đèn để học vào mỗi tối. Thầy và trò ở các điểm trường xa xôi cũng có điều kiện dạy, học tốt hơn.
Có thể thấy, điện không chỉ thắp sáng các thôn, bản, mà còn mang theo ánh sáng văn hóa, tri thức, giúp người dân từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tiếp cận thông tin kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào vùng cao.