Một tuyến tụy nhân tạo, liên tục kiểm soát mức độ đường huyết giúp cung cấp kịp thời insulin mang lại hiệu quả hơn so với phương pháp tiêm insulin truyền thống trong kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 1. Đây là phát hiện của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lâm sàng Montreal (IRCM), Canađa.
Nghiên cứu của IRCM cho biết thử nghiệm được tiến hành đối với các bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 cho thấy tuyến tụy nhân tạo có hai kích thích tố đã cải thiện 15% mức độ đường trong máu và hạ thấp nguy cơ giảm đường huyết tới 8 lần so với các phương pháp bổ sung insulin hiện nay. Hệ thống tuyến tụy nhân tạo được xây dựng trên cơ sở thuật toán thông minh thường xuyên kiểm soát sự thay đổi mức độ đường huyết của người bệnh để tính toán lại lượng insulin cần thiết.
Theo các phương pháp bổ sung insulin truyền thống, bệnh nhân tiểu đường thường xuyên phải tự kiểm tra đường huyết để kiểm soát lượng insulin đưa vào cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu, thực tế khoảng 2/3 số người bệnh không thực hiện được việc này. Tuyến tụy nhân tạo có thể đáp ứng được yêu cầu này đồng thời hạ thấp nguy cơ giảm insulin trong máu, tình trạng nguy hiểm nhất đối với các bệnh nhân tiểu đường và là tác động ngược hay gặp phải nhất trong liệu pháp insulin. Bên cạnh đó, tuyến tụy nhân tạo có thể phân phối glucogon, chất giúp làm tăng mức độ đường trong máu khi chúng quá thấp.
Viên Thị Luyến (P/v TTXVN tại Canađa)