(Tin tức) - Anh Bùi Trung Hải, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Sinh viên trường tôi bây giờ rất năng động, chủ động đi tìm việc làm thêm. Mặc dù ngay từ đầu năm học, Ban Chủ nhiệm khoa đã cảnh báo các bạn lưu ý nhưng theo phản ánh của các Liên Chi Đoàn các khoa, trong quá trình đi xin việc, một số bạn sinh viên năm thứ nhất, thứ hai vẫn bị lừa”.
Kênh hỗ trợ việc làm của Đoàn thanh niên tại các trường ĐH đã giúp nhiều sinh viên tránh rơi vào các bẫy lừa khi tìm việc làm thêm và tìm được những công việc làm thêm phù hợp.
Nhiều kênh để tìm nguồn việc
Trong khi bạn bè đua nhau tự tìm việc làm thêm ở ngoài với các việc như: Đứng giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mãi, người mẫu tóc, giới thiệu game online…, Nguyễn Thị Hoan, sinh viên năm thứ 2 Khoa Giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương lại tìm đến Đoàn trường để liên hệ nhận việc trông trẻ theo giờ. Hoan nói công việc này vừa phù hợp với chuyên ngành, vừa có thêm tiền để trang trải học hành.
Theo chị Nguyễn Lan Phương, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương, Đoàn trường đặc biệt chú trọng hỗ trợ sinh viên tìm việc làm thêm, nhất là những bạn khó khăn về kinh tế. Đối với sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Đoàn trường giới thiệu họ với những gia đình có nhu cầu trông trẻ theo giờ. Những thông tin “việc tìm người” được Ban chấp hành Đoàn trường tập hợp lại và thông báo về các khoa. Sinh viên có nhu cầu sẽ trực tiếp đăng ký với Đoàn trường.
Khác với cách liên hệ với giáo viên để tập hợp thông tin việc làm như ở trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương, ở một số trường, việc cổ vũ sự ra đời các câu lạc bộ của sinh viên và khuyến khích sinh viên tham gia làm thành viên cũng là một cách để một số Đoàn trường mở rộng hình thức hỗ trợ sinh viên tìm việc. Theo anh Bùi Trung Hải, các câu lạc bộ chuyên ngành rất hữu ích. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ thường mời chuyên gia hoặc những cựu sinh viên đã thành đạt sau khi ra trường về giao lưu. Mới đây, Khoa Kế hoạch phát triển của trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành lập Câu lạc bộ Cựu sinh viên. "Liên hệ với những cựu sinh viên đã thành đạt cũng là một biện pháp giúp sinh viên đang học trong trường bổ sung những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết và có thể tiếp cận nhiều cơ hội công việc", anh Hải cho biết.
Lên web Đoàn trường tìm việc
Internet là một công cụ được Đoàn trường khai thác để tăng tính hiệu quả cho hoạt động hỗ trợ sinh viên tìm việc. Nguyễn Linh Nga (sinh viên năm thứ 2, khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương) cho biết: "Đoàn trường em có trang web riêng, trong đó có chuyên mục việc làm cập nhật nhiều thông tin tuyển cộng tác viên hoặc thực tập sinh của các doanh nghiệp”. Nga kể, mặc dù thời buổi bây giờ loạn thông tin tuyển dụng trên Internet, không biết thật giả thế nào, nhưng những thông tin việc làm trên trang web trường do Ban chấp hành Đoàn trường tìm kiếm, xác minh, địa chỉ công ty, họ tên người trực tiếp tuyển dụng, các yêu cầu, chế độ lương, thưởng… đều được nêu rõ ràng nên sinh viên có thể tin tưởng tìm đến liên hệ.
Ban thông tin của Đoàn còn tổng hợp từ những kiến thức như “Mẹo hay cho người mắc chứng sợ phỏng vấn”, “Doanh nghiệp cần gì ở một sinh viên sau khi tốt nghiệp”, “Cách phản ứng với thất bại”… Đó là những cẩm nang "bỏ túi" để sinh viên tìm việc hiệu quả trước và sau khi tốt nghiệp.
Trong điều kiện công nghệ phát triển hiện nay, khi việc học tập của sinh viên ngày càng gắn chặt với máy tính và điện thoại kết nối internet… thì việc đưa các thông tin đáng tin cậy về việc làm lên trang web của trường là việc làm rất cần thiết nhưng nhiều trường chưa có sự quan tâm đầu tư hợp lý. Tại trang web của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)…, những thông tin về việc làm mới chỉ rải rác. Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải là do nhân sự về công nghệ thông tin còn thiếu. Thời gian tới, sẽ đầu tư để làm đầy đặn mảng thông tin này, đưa website thành cổng thông tin giao tiếp hữu ích hơn cho sinh viên.
Dù khác nhau về cách hỗ trợ nhưng những chương trình hỗ trợ mà các Đoàn trường đang làm đã nói lên một thông điệp quan trọng: Sinh viên nên đến với Đoàn trường để tránh rủi ro khi tìm việc làm thêm.
Bài và ảnh: Mạnh Minh