Trong khi truyền thông truyền thống vẫn có vai trò quan trọng, các kênh kỹ thuật số như website, truyền thông xã hội, ứng dụng di động, blog, video và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đã nổi lên mạnh mẽ. Khi Internet và những tương tác tác kỹ thuật số trở thành một phần trong đời sống hàng ngày, cần có những cách khác biệt để xây dựng và quảng bá thương hiệu và các công ty đang thử nghiệm những cách làm mới để kết nối với các bên liên quan và với khách hàng của mình.
Theo ông Alan Couldrey, Chủ tịch Ogilvy Việt Nam, thương hiệu gắn với đời sống con người nên trong bối cảnh thói quen và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau, đòi hỏi đa dạng tiện ích, doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận thị trường, thay đổi cách tương tác tới thương hiệu.
Ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc Công ty FWD Việt Nam, nhấn mạnh xây dựng thương hiệu không phải là một mẫu quảng cáo hay một hoạt động truyền thông, mà đó là một chiến lược thông tin về sản phẩm, dịch vụ và tương tác với khách hàng. Trong đó, nếu sản phẩm, dịch vụ không đúng với cam kết hay không mang lại lợi ích thiết thực thì sẽ bị người tiêu dùng đánh giá không thân thiện với họ.
Ngoài ra, chiến lược xây dựng thương hiệu cần làm nên điều khác biệt, tạo điều kiện cho khách hàng tận hưởng những tiện ích, trải nghiệm mới. Các doanh nghiệp phải đưa ra những sản phẩm, dịch vụ từ những ý tưởng đổi mới sáng tạo để chinh phục khách hàng hoặc tự làm mới mình thông qua ứng dụng hiệu quả các công nghệ số. Khi triển khai các thay đổi và chuyển đổi số, xác định mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp mình để lựa chọn phương thức bắt đầu hiệu quả là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm qua thương mại điện tử, mạng xã hội… từ đó đến gần hơn với người tiêu dùng. Hoặc doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp thị, nhất là hướng đến phục vụ khách hàng 24/7 dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), số hóa thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử… để bắt kịp nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Bà Melissa Nguyen, Giám đốc Google Marketing Solutions Việt Nam, cho rằng yếu tố mà doanh nghiệp bắt buộc thay đổi để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu, trước tiên là phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, người dân Việt Nam khá ưa chuộng kỹ thuật số, tham gia tương tác… nhưng các doanh nghiệp lại chưa chú trọng nhu cầu này của người tiêu dùng. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn khá yếu ở các khâu giới thiệu, tiếp thị, tư vấn sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
Khi xây dựng thương hiệu số hóa giúp doanh nghiệp hướng đến phát triển một công ty đáp ứng nhu cầu hội nhập thị trường thương mại tự do, với bất cứ khách hàng nào trên toàn cầu đều có thể tiếp cận được sản phẩm, dịch vụ. Một vấn đề đáng chú ý hơn, việc số hóa thương hiệu còn thúc đẩy cải thiện quản trị doanh nghiệp, nâng cấp hoạt động sản xuất kinh doanh ở các kênh truyền thống; đồng thời phát triển những kênh phân phối, bán lẻ và tương tác mới với khách hàng bằng kỹ thuật số.
Để triển khai xây dựng thương hiệu, các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp phải chấp nhận sự thay đổi và có lộ trình thay đổi phù hợp với quy mô công ty cũng như nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số là một nhu cầu tất yếu đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có xây dựng thương hiệu.
“Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số” do Forbes Việt Nam tổ chức trong chuỗi sự kiện Forbes Talks nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thông tin sâu, giúp đưa ra chiến lược tốt nhất nhằm xây dựng các thương hiệu mạnh và có giá trị. Sự kiện thu hút hơn 400 khách tham dự là quản lý cấp cao và trung, nhân sự phụ trách thương hiệu từ các công ty và nhãn hàng lớn của Việt Nam và quốc tế.