Thời gian qua, tín dụng nới lỏng cùng với chính sách cho vay dễ dãi đã tiếp tay cho nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư trái ngành tràn lan, đặc biệt là vào bất động sản. Đáng lo ngại, do DN quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng nên cơ cấu tài chính của các DN này đã trở nên mong manh, đề kháng yếu trước sự khó khăn của nền kinh tế, đẩy nhiều công ty đến chỗ thua lỗ, nợ nần. Theo nhiều chuyên gia, đây được xem là “căn bệnh thế kỷ” của DN, cần tìm giải pháp để “trị bệnh”.
Phụ thuộc vốn vay và những hệ lụy
Tại hội nghị “Căn bệnh thập kỷ của DN Việt Nam”, tổ chức vào cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc chính sách công Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) nhận định: DN Việt Nam đang rất nặng nợ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thống kê báo cáo tài chính quý II/2012 của 647 công ty phi tài chính đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,53 lần.
Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều nền kinh tế khác. Chẳng hạn, tại Mỹ, nơi diễn ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, con số tương ứng là 1,2 lần. Tại Trung Quốc, quốc gia mới nổi và được xem là phát triển nóng cũng chỉ là 1,06 lần, dù đã bung kích cầu rất mạnh trong năm 2009 nhằm vực dậy nền kinh tế.
Theo TS. Thành, việc DN nợ cao như vậy là do quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính. Trong đó, nhóm DN có vay nợ nhiều nhất là lĩnh vực xây dựng, bất động sản, DN niêm yết phi tài chính, DN năng lượng, DN nguyên vật liệu, DN dược và thiết bị y tế… DN vay nợ nhiều đã kéo ngân hàng rơi vào khó khăn.
Như vậy, gánh nặng nợ của bản thân các tổ chức tài chính cũng đang tăng lên. Một nghịch lý là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng nhỏ, kém danh tiếng lại chiếm các vị trí tốp đầu. Giải mã hiện tượng này, ông Thành cho rằng, hệ thống ngân hàng đã có giai đoạn phát triển bùng nổ. Để đáp ứng các quy định về tăng vốn, đã xuất hiện các liên minh chồng chéo như ngân hàng A đi vay nợ ngân hàng C góp vốn vào ngân hàng B. Đến lượt ngân hàng C vay ngân hàng B góp vốn vào ngân hàng A.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Partners cũng chỉ ra rằng, sự hụt hơi của các DN hiện nay suy xét kỹ là do các căn bệnh: đầu tư đa ngành không dựa trên các năng lực lõi, thiếu chiến lược dài hạn, đặc biệt là chiến lược dài hạn về tài chính, trong khi hầu hết các DN đều ưa thích sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao.
Tìm giải pháp “trị bệnh”
TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết, các số liệu thống kê về cung tiền và tín dụng trong 7 tháng đầu năm cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2011, tuy nhiên tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 0,57%.
Theo giải thích của TS. Thành, việc ngân hàng nhận tiền gửi mà tăng trưởng tín dụng khá thấp là do hoạt động xử lý nợ xấu. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam đang thoái nợ bằng cách hướng đầu tư vào các sản phẩm tài chính an toàn như trái phiếu Chính phủ và giấy tờ có giá ngắn hạn.
Về giải pháp, ông Thành cho rằng, có hai con đường, hoặc chấp nhận thoái nợ từ từ hoặc đẩy nhanh tiến trình thoái nợ và buộc phải chấp nhận tổn thất. Còn ông Sơn cho rằng, nếu trong 2 năm tới, các DN bất động sản không tập trung vào phân khúc bình dân, giảm giá thành căn hộ thì nợ xấu sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Không những thế, sẽ kéo theo hệ lụy cho hệ thống các ngân hàng khi ngân hàng phải ôm nợ xấu của DN. Do vậy, để có nguồn vốn trong những năm tới, DN phải thu hẹp chi nhánh, đồng thời tiếp cận vốn quốc tế. Để được như vậy, DN Việt Nam cần phải có các ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp tư vấn. Bởi các ngân hàng này có vai trò quan trọng trong hầu hết các thương vụ tiêu biểu ở Việt Nam.
Đồng tình quan điểm, ông Dominic Price, Tổng giám đốc JP Morgan Việt Nam khuyến nghị, trong bối cảnh TTCK yếu ớt và hệ thống ngân hàng hạn chế tăng trưởng tín dụng, thì huy động vốn quốc tế là một sự lựa chọn tốt đối với các DN Việt Nam. Ông Dominic Price cũng đề xuất một số hướng tiếp cận cho DN Việt Nam như: bán cổ phần cho NĐT chiến lược; phát hành trái phiếu chuyển đổi; vay vốn có bảo lãnh phát hành và niêm yết trên TTCK nước ngoài.
Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Vingroup đã huy động được 300 triệu USD, gấp 1,5 lần doanh thu năm 2011, nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế với lãi suất 5%/năm. Đại diện của Vingroup cho hay, bí quyết thành công nằm ở tiềm năng, sự minh bạch và công tác chuẩn bị.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn quốc tế. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng DN có thể hướng tới nhà đầu tư trong nước, trước hết là cổ đông lớn, hoặc nhân viên để vay vốn.
Như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã thoát được cảnh mất sạch vốn chủ sở hữu, chìm trong nợ, không tiền mặt để hoạt động nhờ 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi bán cho cổ đông lớn Sacombank.
Còn Tập đoàn Mai Linh thì chọn cách vay vốn từ nhân viên với lãi suất 12%/năm. Số tiền mà DN này huy động được lên tới 20% tổng nguồn vốn. Nếu không vay được cổ đông, DN có thể đảo nợ, từ ngắn hạn sang dài hạn, xin giảm lãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, xin cổ đông góp thêm vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu; sáp nhập công ty con để giảm chi phí hoạt động hoặc bán công ty con, bán dự án, bán tài sản…
Hải Yên