Tác động của khủng hoảng kinh tế năm 2013 đã khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nước phá sản, đóng cửa hoặc “cắn răng” chịu lỗ để duy trì sản xuất... Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp “nội” đã biết tận dụng cơ hội trong khủng hoảng để vượt qua khó khăn và vươn lên “sống khỏe, sống tốt”.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Nhận thức được vấn đề chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để người tiêu dùng nhớ đến doanh nghiệp (DN), ngay từ khi thành lập, Tập đoàn Tôn Hoa Sen luôn đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu. Nhờ phương châm kinh doanh nhất quán mà trong tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bão hòa, nhưng doanh thu của DN vẫn không ngừng tăng lên. Kết thúc niên độ tài chính 2012 - 2013, Tập đoàn Tôn Hoa Sen tiếp tục khẳng định vị thế số một trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam với trên 40% thị phần và là DN xuất khẩu tôn hàng đầu Đông Nam Á.
Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt nếu chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, giá cả phải chăng sẽ thu hút được người tiêu dùng. |
Doanh thu của DN đạt 11.772 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 580 tỷ đồng, tăng gần 60% so với niên độ trước và vượt kế hoạch 45%. “Có được thành quả trên là nhờ vào sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Dù kinh tế khó khăn nhưng Tôn Hoa Sen vẫn “sống khỏe”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho biết.
Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, hiện Tôn Hoa Sen còn hướng đến thị trường nước ngoài. “Trung Quốc, Austraylia và Nhật Bản là ba cường quốc có công nghệ và sản lượng thép hàng đầu thế giới. Mặc dù chất lượng mình có, song nếu cạnh tranh với họ là rất khó, do đó chưa chắc thắng được. Vì vậy, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã chọn chiến lược cạnh tranh về giá và thời gian giao hàng”, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tôn Hoa Sen, cho biết thêm.
Để giữ vững đà phát triển, mở rộng sản xuất, tập đoàn đã đề ra chiến lược từng bước chinh phục mục tiêu “ba số 1”, đó là: sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn, doanh thu 1 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế l.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín thông qua việc triển khai giai đoạn 2 của dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ - một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực tôn thép. Bên cạnh đó, một loạt các dây chuyền sản xuất sẽ lần lượt đi vào hoạt động trước thời điểm tháng 9/2014.
Là DN chuyên cung cấp sản phẩm trần và vách ngăn cho các công trình xây dựng, Công ty CP Công nghiệp Vĩnh Tường cũng không thoát khỏi khó khăn chung của ngành bất động sản khi rơi vào khủng hoảng. Sớm nhận diện được khó khăn, ban lãnh đạo công ty đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm mục tiêu xoay chuyển tình thế. Giải pháp mà Vĩnh Tường đưa ra là cung cấp giải pháp xây dựng phù hợp với túi tiền của mọi đối tượng, song song với việc cung cấp các sản phẩm truyền thống. “Lúc khó khăn, nhiều người có thể không xây nhà, nhưng sửa nhà thì vẫn phải làm”, ông Trần Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Tường, nhận định. Vì thế, Vĩnh Tường đã hướng mục tiêu từ nhóm khách hàng đại lý sang những người trực tiếp sử dụng sản phẩm như nhà thầu, kiến trúc sư, chủ nhà và cả những khách hàng ở vùng nông thôn... Nhờ đó, đầu ra của các sản phẩm Vĩnh Tường đã được duy trì ổn định.
“Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó khi hầu hết khách hàng có xu hướng chọn lựa những sản phẩm có giá rẻ. Lúc này, công ty lại tiếp tục đưa ra một quyết định táo bạo: đầu tư cho những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đa dạng hóa hoạt động kinh doanh xung quanh năng lực cốt lõi. Bởi chất lượng sản phẩm chính là yếu tố then chốt để chinh phục khách hàng”, ông Huy cho biết thêm. Nhờ những quyết định này, tình hình kinh doanh của công ty này đã có nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2005 đến nay, doanh thu của công ty tăng trưởng tới 5 lần, ngay cả trong cuộc khủng hoảng năm 2008, công ty vẫn đạt tăng trưởng trên 70%.
Tái cấu trúc DN
Được xem là DN hàng đầu của Việt Nam trong ngành thực phẩm nhưng Công ty Vissan cũng không thể tránh khỏi những khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế. Để vượt qua khó khăn, ban lãnh đạo công ty đã bắt tay ngay vào việc thực hiện tái cấu trúc DN và xác định đó là giá trị lớn của DN để phát triển bền vững. Ban lãnh đạo công ty đã đánh giá toàn bộ nguồn lực, thay đổi bộ máy phù hợp với yêu cầu mới, đào tạo con người mới, áp dụng công cụ quản trị mới. Đồng thời, công ty xác định nhiệm vụ chiến lược trọng tâm dài hạn, ngắn hạn, xác định sứ mệnh của mình, đạt mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, trên giá trị cốt lõi của ngành thực phẩm, không đầu tư dàn trải, theo chiều rộng...
Những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực của mình thì doanh nghiệp đó sẽ vượt qua khó khăn vươn lên phát triển. |
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết nhờ hướng đến mô hình phát triển bền vững, Vissan đã có được kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay. Tốc độ phát triển của công ty vẫn đảm bảo năm sau cao hơn năm trước cả về doanh số, lợi nhuận và đầu tư mới cho phát triển công nghệ. Theo đó, trong năm 2013, tổng doanh thu của công ty đạt 105% kế hoạch. Mặt khác, công ty vẫn duy trì doanh số bình quân 5.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách bình quân 250 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2014, Vissan tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với tốc độ phát triển tăng thêm 8% so với năm 2013. Đồng thời, DN tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, đưa ra nhiều dòng sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, để phát triển theo chiều sâu, Vissan đã đầu tư cụm công nghiệp chế biến thực phẩm tại tỉnh Long An. DN cũng xác định thị trường khu vực phía Bắc rất rộng lớn và mang tầm chiến lược, nên đã đầu tư mở rộng giai đoạn 2 hai nhà máy Vissan Hà Nội và Bắc Ninh. Hai dự án này sẽ được đưa vào hoạt động từ quý 2 năm 2014.
Khác với Vissan, Công ty CP Dược Hậu Giang lại kiên định với ngành nghề chính của mình. Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang, bí quyết thành công trong kinh doanh thời kì khó khăn của công ty là chọn ngành mà mình có tay nghề tốt nhất, tâm huyết nhất để phát triển.
Ngành dược vẫn được xem là “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định về đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT - BYT - BTC từ tháng 6/2012, các DN dược trong nước cũng rơi vào cảnh lao đao. Để thoát khỏi những khó khăn trên, Công ty CP Dược Hậu Giang đã khai thác lợi thế từ hệ thống bán hàng phủ rộng khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước với 12 công ty con để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Các kênh bán hàng của công ty cũng khá đa dạng, từ quầy thuốc tại các bệnh viện lớn đến các hiệu thuốc nhỏ tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, kênh thương mại vẫn là định hướng chủ đạo của Dược Hậu Giang trong suốt quá trình phát triển khi chiếm đến 84% cơ cấu doanh thu qua các năm.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong khó khăn vẫn luôn có những cơ hội cho những DN nhạy bén và biết nắm bắt kịp thời. Nếu hiểu rõ nguồn lực của mình cũng như bối cảnh thị trường, để có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, DN sẽ có được thành công.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết