Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang

Bản sắc văn hóa các dân tộc dường như đang bị mai một dần ở nơi nào đó, nhưng dân tộc Dao quần trắng ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thì không, họ vẫn giữ được lễ cấp sắc "trao bằng" cho con trai tồn tại từ bao đời nay.

Ông Bàn Văn Năng (53 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Thanh Vân, xã Hùng Đức, cho biết: Cứ vào mỗi dịp đầu năm mới, những người thầy “cao tay” có uy tín trong thôn, bản đứng đầu cho hai đấng Tam Thanh (thầy Tạo), Tam Nguyên (thầy Múa) lại được mời đến giúp các gia đình người Dao quần trắng tổ chức lễ cấp sắc. Theo quan niệm của người Dao quần trắng, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao.
 

Lễ Nhảy ngũ đài trong lễ cấp sắc của người Dao quần trắng.


Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng: Thầy cúng, ông mối làng…

Suốt ba ngày hành lễ, các thầy cúng (lên tới hàng chục người) dùng tới gần 40 quyển sách khấn: Aan Đan (An Đàn), Sêu panh (Chiêu Binh)… Các nghi lễ khấn cùng với những điệu múa có nhiều cung bậc khác nhau tiết tấu hoài hòa của trống chiêng, thanh la tạo nên cảnh tượng lúc hùng tráng, lúc bi ai. Ngày thứ hai là ngày diễn ra các nghi thức quan trọng nhất. Ngay từ sáng sớm, các thầy bậc Tam Nguyên, hướng dẫn các anh em, con cháu của người được thụ lễ múa Ngũ thương gà, trong tay mỗi người cầm một con gà trống múa quanh một mâm cúng đặt chính giữa nhà theo nhịp trống, chiêng… với hàm ý, con gà sẽ giúp xua đi cái xấu, bệnh tật, những điều không may mắn, giúp người đàn ông có thêm sức khỏe, có thêm ý trí để đảm đương tốt vị trí trụ cột trong gia đình…

Tiếp đó là nghi lễ Khai Quang, thầy Tướng Văn Trang (đứng đầu đấng Tam Thanh) đọc bài khấn xin phép các thần linh để trao bút và ấn. Các anh em, và con cháu của người thụ lễ quần áo chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn được thầy Trang cùng các thầy dẫn đi cùng mình lần lượt dùng sợi chỉ có sâu đồng xu buộc vào tóc của các anh em, con cháu mình, sau đó các thầy cởi bỏ bộ áo quyền uy trên người mình khoác lên mình các con điện tử mình, tiếp theo cho các điện tử của mình uống một chút rượu, cho ăn một miếng xôi gói trong lá dong, sau đó các thầy vừa khấn, vừa múa theo tiếng trống quanh các điện tử của mình. Kết thúc nghi lễ các thầy sẽ cấp ấn và bút (tức lễ trao bằng Tam Thanh) cho người thụ lễ, cùng các anh em, con, cháu của họ.

Sau lễ trao bằng Tam Thanh đến nghi lễ Nhảy ngũ đài, thu hút được đông đảo mọi người đến xem với quan niệm ai nhặt được những đồng tiền và những mảnh vải nhỏ từ tay người thụ lễ thả xuống sẽ gặp may mắn cả năm. Nhưng thường người lớn tuổi nhường cho các cháu nhỏ vì mong muốn các cháu có nhiều sức khỏe, học hành thành đạt…

Ông Lý Văn Kim, dân tộc Dao, Chủ tịch UBND xã Hùng Đức cho biết: Dân tộc Dao quần trắng hiện chiếm 60% dân số xã (4.288 khẩu). Mỗi người đàn ông dân tộc Dao quần trắng khi đã trải qua lễ cấp sắc đều coi đó là một niềm vinh dự to lớn của bản thân và cả gia đình. Từ đó, người đàn ông đó sẽ có thêm động lực xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Và bản thân người được cấp sắc luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong công việc là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN