Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tính đến tháng 12/2015 đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vượt chỉ tiêu đề ra (80). Trong đó có 234 phòng khám bác sỹ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%) đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế, do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Mặc dù mới thành lập, các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.
Bác sĩ phòng khám y học gia đình Bệnh viện Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Một số phòng khám bác sĩ gia đình có hoạt động rất tốt như phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, phòng khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện quận 2 TP Hồ Chí Minh... Các phòng khám này đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.
Tuy vậy, đến nay phần lớn các phòng khám tư nhân chưa được tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc khám bệnh, chữa bệnh của các phòng khám tư nhân mới chỉ đáp ứng tức thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân mà chưa có theo dõi điều trị bệnh một cách toàn diện, liên tục, chưa tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh, vì vậy hiệu quả chưa cao và chưa đóng góp nhiều vào việc giảm tải bệnh viện. Nếu các phòng khám tư nhân tham gia hoạt động theo nguyên tắc phòng khám bác sĩ gia đình thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ cao hơn và sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện tốt hơn...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám bác sỹ gia đình là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở. Đồng thời phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi, với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, ở nhiều nơi, trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi có nơi lại thiếu trạm y tế.
“Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm. Có những nơi ở miền núi, một xã cần có nhiều trạm y tế. Vấn đề cần nhất hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Để tiếp tục duy trì, phát triển kết quả ở giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban.
Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển bác sỹ gia đình nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế.
Các Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành ở địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng y tế cơ sở, nhu cầu chăm sóc ban đầu của nhân dân địa phương, xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể triển khai nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt.