Gần 2 năm qua, trong khi giá thịt gia súc, gia cầm liên tục giảm khiến người chăn nuôi phải “gồng mình” chịu lỗ thì các khâu phân phối trung gian vẫn có lãi. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần có các giải pháp tái cơ cấu để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng quy mô chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, giảm giá thành, qua đó nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
Lợi nhuận thấp, rủi ro cao
Đồng Nai được xem là tỉnh có số lượng chăn nuôi gia cầm lớn nhất miền Đông Nam Bộ và chăn nuôi lợn lớn nhất nước, với tốc độ tăng trưởng chăn nuôi giai đoạn 2010 - 2012 bình quân đạt 7,8%/năm. Giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi năm 2012 chiếm hơn 40,5% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đầu tư con giống năng suất cao để tăng khả năng cạnh tranh. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng đàn lợn của tỉnh ước khoảng 1,4 triệu con, tăng 7,7% và tổng đàn gia cầm đạt hơn 12 triệu con, tăng 23,22% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tổng đàn gia súc, gia cầm lại không phải là tín hiệu vui. “Coi chừng chúng ta đang rơi vào khủng hoảng thừa. Vì có nghịch lý là nguồn cung tăng lên thì giá giảm xuống khiến cho lợi nhuận ngày càng giảm, thậm chí bị thua lỗ. Gần 2 năm qua, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại có quy mô từ 1.000 con trở lên đều rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nói.
Bà Tô Thị Hà, chủ trang trại lợn có quy mô 1.130 con lợn nái và lợn thịt tại ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết: “Trong gần 2 năm qua, mỗi tháng tôi xuất chuồng khoảng 200 con lợn thịt, tùy thời điểm mà lỗ từ 300.000 - 500.000 đồng/con. Như vậy mỗi tháng, tôi lỗ ít nhất 60 triệu đồng. Đợt này giá lợn hơi tăng lên mức 42.000 đồng/kg do thương lái Trung Quốc mua nhiều thì người chăn nuôi mới không bị lỗ. Nếu thời gian tới giá bán lợn bị giảm nữa thì chắc phải giảm đàn để cắt giảm thua lỗ”.
Theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, từ giữa năm 2012 đến nay, giá lợn hơi giảm đều và đến thời điểm hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, đối với các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, thì họ đã có lãi, bởi giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 30.000 đồng/kg. Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại trong nước thì lỗ, không có lãi hoặc lãi thấp do giá thành sản xuất lên đến hơn 41.000 đồng/kg. Đối với gia cầm, doanh nghiệp FDI vẫn có lãi 8.000 đồng/kg với giá xuất chuồng hiện nay là 30.000 đồng/kg; còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại thì lỗ từ 4.000 - 10.000 đồng/kg.
“Cách chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, vốn ít, không đầu tư con giống năng suất cao, không chủ động được nguồn thức ăn và tiêu thụ đầu ra thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cạnh tranh với các đơn vị có vốn nước ngoài. Điều đó thể hiện rõ qua giá thành sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi nhỏ lẻ luôn chịu thiệt thòi, rủi ro cao trong khi các khâu trung gian lại hưởng lợi nhiều nhất”, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận: “Ngành chăn nuôi còn chịu ảnh hưởng do người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ cần có thông tin chất cấm, dịch bệnh… thì giá thu mua tại chuồng sẽ giảm ngay, khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng. Trong khi đó, giá thịt đến tay người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Đó là do khâu trung gian phân phối luôn có lãi, thậm chí, càng có thông tin dịch bệnh thì người đi buôn càng có lãi. Do vậy, tái cơ cấu ngành chăn nuôi không chỉ giúp cho người chăn nuôi kéo giảm giá thành sản xuất, mà còn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và để xây dựng thương hiệu”.
Nỗ lực tái cơ cấu
Theo ông Phan Minh Báu, tỉnh Đồng Nai đang tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi bằng nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp về quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thị trường tiêu thụ và giải pháp về tài chính, tín dụng, cũng như ban hành những cơ chế chính sách phù hợp.
“Đến nay, các địa phương đã thực hiện lập quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung. UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo quy hoạch tại 9 huyện, thị với 139 vùng chăn nuôi có diện tích hơn 15.000 ha. Đã có 400 trang trại chăn nuôi đang hoạt động trong vùng quy hoạch và xây dựng được 3 cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tuy nhiên, những khó khăn đang cần tháo gỡ chính là hạ tầng vùng quy hoạch chưa hoàn chỉnh, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất. Khó di dời các cơ sở chăn nuôi do thiếu kinh phí từ phía chính quyền địa phương và chủ cơ sở”, ông Báu nói.
Trong khi đó, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng đang đề xuất hình thành những vùng nuôi chuyên canh gà, lợn giống, thịt, trứng thương phẩm tại huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại với quy trình an toàn dịch bệnh, hình thức liên doanh, liên kết giữa các nhà chăn nuôi với doanh nghiệp thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh Đồng Nai vẫn còn 40% hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và hơn 11% hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ.
Cũng theo ông Báu, ngoài việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho người chăn nuôi, tỉnh cũng đã hỗ trợ bằng gói tín dụng hỗ trợ phát triển chăn nuôi và thủy sản tại văn bản 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 25/7/2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản số 5956/UBND-TH đề nghị Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xem xét, giải quyết việc ưu tiên cho cơ sở chăn nuôi vay vốn trung dài hạn (3 - 5 năm) với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ bù lãi suất thương mại để các cơ sở chăn nuôi di dời vào vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi theo đúng lộ trình; đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở chăn nuôi duy trì sản xuất trong thời gian tới.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai: Sẽ dần thu hẹp chăn nuôi nhỏ lẻ Định hướng của Đồng Nai cũng giống như cả nước là định hướng phát triển quy mô trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ thu hẹp dần. Vì khi tham gia thị trường hàng hóa thì phải sản xuất quy mô lớn sẽ có hiệu quả hơn quy mô nhỏ lẻ. Chúng tôi rất tập trung vào chính sách hỗ trợ để giúp những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép; thu hồi giấy phép các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện môi trường và thú y để đưa lĩnh vực này vào khuôn phép.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai: Xây dựng 3 chuỗi sản xuất để tạo thương hiệu Chúng tôi đang có dự án xây dựng 3 chuỗi sản xuất chăn nuôi lợn, trong đó mỗi chuỗi có 20 trang trại tham gia. Tổ chức sản xuất theo chuỗi được thực hiện từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến quy trình nuôi, giết mổ và kinh doanh sản phẩm nhằm giảm thiểu tối đa các khâu trung gian để hạ giá thành, cung ứng sản phẩm sạch, uy tín để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt. Hiện tại, chúng tôi đang khảo sát và xin chủ trương, phê duyệt của UBND tỉnh để thành lập lò mổ đảm bảo các điều kiện.
Ông Trần Công Dân, chủ trang trại lợn với quy mô 2.000 con ở ấp Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai): Nhà nước cần có những dự báo thị trường để người chăn nuôi chủ động sản xuất Người chăn nuôi chúng tôi rất mong được sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước để đầu ra được ổn định, bằng việc điều tiết thị trường qua hoạt động bình ổn giá, quản lý giống, vật tư, nguyên liệu để hạ giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh. Quan trọng nhất là Nhà nước có những dự báo, khuyến cáo để người chăn nuôi chủ động có kế hoạch sản xuất. Thực tế trong tình hình đầu ra khó khăn, việc vẫn duy trì tổng đàn ở quy mô không phù hợp thì sẽ gây áp lực rất lớn về chi phí. |
Anh Đức