Đồng ruble Nga lại rớt giá thảm hại khi tiếp tục chạm đáy mới, và có lẽ đây là lần sụt giảm mạnh nhất của đồng nội tệ Nga, tính từ năm 1998 đến nay. Sau khi đóng cửa phiên giao dịch thị trường chứng khoán Moskva ngày15/12, đồng ruble Nga đã giảm tiếp gần 10% chỉ trong một buổi chiều, mất giá hơn 6 ruble cho mỗi đồng USD.
Trong khi sáng 15/12, tỷ giá đồng ruble vẫn đứng ở mức 57,5 ruble đổi được 1 USD thì tính đến 20 giờ 35 phút (giờ Moskva), tức là 0 giờ 35 phút (giờ Hà Nội), đồng ruble Nga đã trượt giá thảm hại xuống mức 64,45 ruble đổi được 1 USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: TASS |
Giới phân tích khẳng định không có bất kỳ lý do gì liên quan trực tiếp tới sự sụp đổ của đồng ruble, kể cả sự biến động của giá dầu thế giới.
Phát biểu chiều 15/12, Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga Nabiullina Elvira cho rằng thị trường tiền tệ Nga đang chịu áp lực từ sự đầu cơ.
Trên thực tế, đồng ruble liên tục rớt giá trong suốt thời gian 4 tháng qua đã hình thành nên tâm lý bầy đàn, hoảng loạn trong người dân, sự mất cân đối giữa cung và cầu đối với đồng USD, dẫn đến một thực tế: đồng USD càng tăng giá thì người dân lại càng sẵn sàng muốn mua USD để tích trữ.
Chính vì vậy mà số tiền 2 đến 3 tỷ USD Ngân hàng Trung ương Nga vừa tung ra để hỗ trợ tỷ giá đồng ruble cũng chỉ như muối bỏ bể. Bà Nabiullina Elvira đã phải thừa nhận đang hình thành một cái gì đó tương tự như hiện tượng "bong bóng tài chính" trên thị trường tiền tệ Nga.
Tuy nhiên, không thể không thừa nhận các diễn biến liên quan các vấn đề địa chính trị, kinh tế và quân sự trong vài ngày qua cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh giá trị đồng nội tệ Nga.
Trước hết, đó là tuyên bố ngày 14/12 của Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Al-Mazrouei rằng: Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ duy trì quyết định không cắt giảm sản lượng, cho dù giá dầu có giảm về 40 USD/thùng.
Tuy nhiên, Tổng thư ký OPEC Abadalla El-Badri kiên quyết phủ nhận việc giữ sản lượng khiến giá dầu giảm để gây áp lực cho Mỹ hay cho Nga... Đáp ứng tới 40% nhu cầu dầu mỏ thế giới, 12 thành viên của OPEC sản xuất 30,56 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp vượt mục tiêu sản lượng đề ra.
Một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến đó là Thượng viện Mỹ vừa thông qua lần cuối cùng Dự luật tăng cường trừng phạt Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, với 100% phiếu thuận.
Dự luật cho phép, nhưng không bắt buộc, Mỹ cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine cũng như siết chặt trừng phạt đối với ngành công nghiệp năng lượng của Nga. Đây là những biện pháp vượt xa những gì mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã từng áp dụng để trừng phạt Nga tính tới thời điểm hiện nay.
Quế Anh(P/v TTXVN tại Moskva)