Khói của những đám đốt rơm rạ ấy lan tỏa, bay mù mịt làm người đi đường bị ngột ngạt, chảy cả nước mắt nước mũi. Nguy hiểm hơn, khói rơm còn lan, hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ ven đường quốc lộ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới cây xanh được trồng ven đường, thậm chí có thể gây hậu họa khi ảnh hưởng tới các đường dây tải tiện, đường thông tin liên lạc chạy qua...
Nhiều lần đi xuống các tỉnh miền Tây đúng vào mùa gặt, tôi bắt gặp cảnh người dân gặt lúa xong, rồi mang lúa lên ven các con đường tỉnh lộ, quốc lộ để tuốt bằng máy phụt. Khi đã gom xong thóc, rơm rạ còn lại được nông dân phơi qua dưới nắng và đốt để lấy tro dùng cho việc bón ruộng, cải thiện sự màu mỡ của đất ở vụ trồng trọt sau. Trong khi đó, rất nhiều người lại đốt rơm rạ ở ven quốc lộ, gây nguy hiểm cho người, các phương tiện tham gia giao thông.
Chẳng riêng gì ở miền Tây, nhiều dịp đi qua các tỉnh ở miền Bắc vào mùa gặt như: Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc..., hay qua các tỉnh miền Trung là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa..., tôi cũng bắt gặp cảnh tượng người dân đốt rơm rạ và tạo các đám khói mù mịt bao phủ hết cả nhiều đoạn đường, quốc lộ khiến cho người, xe qua những chỗ có đám khói này phải "khốn khổ".
Vì sự an toàn tính mạng của con người cùng các phương tiện giao thông, rất mong người nông dân ở các địa phương hãy từ bỏ thói quen mang rơm lên ven đường giao thông, quốc lộ để đốt, mà kể cả có mang lúa lên ven đường để tuốt thì khi xong, hãy gom rơm rạ lại rồi mang về ruộng của mình để đốt. Mặt khác, chính quyền các địa phương cũng phải luôn đôn đốc nhắc nhở người nông dân không được đốt rơm rạ ven các con đường, quốc lộ như bấy lâu nay để đảm bảo sự thông thoáng, bình an cho những cung đường...