Đưa APEC gần hơn tới người dân và doanh nghiệp

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc hai ngày làm việc (17-18/5), khép lại đợt Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trong ngày làm việc cuối cùng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị đã thảo luận những định hướng hợp tác dài hạn của APEC, những đề xuất cải cách hoạt động của bộ máy APEC theo hướng hiệu quả hơn trong thúc đẩy những sáng kiến phục vụ thiết thực lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Với tổng số gần 50 cuộc họp, Hội nghị đã thu hút sự tham gia của khoảng 2300 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, cộng đồng doanh nghiệp, học giả, các tổ chức quốc tế và nhiều bộ, ban, ngành của Việt Nam. Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan có vai trò then chốt trong thúc đẩy triển khai chủ đề và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 đã được thông qua tại Hội nghị SOM 1 tháng 3/2017 ở Nha Trang.

Đợt hội nghị lần này bao gồm nhiều hoạt động quan trọng, định hướng hợp tác dài hạn của APEC, như Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai; Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực; Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, Hội nghị đã mang lại nhiều kết quả cụ thể:

Thứ nhất, các thành viên tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ vai trò của APEC là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, APEC quyết tâm tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư theo lộ trình đề ra vào năm 2020. Các thành viên nhất trí việc thực hiện Mục tiêu Bogor cần gắn với việc tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân, doanh nghiệp được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, góp phần vào các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững.

Thứ hai, Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, hoạt động đầu tiên bàn về tương lai APEC với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, đã nhất trí tầm nhìn APEC sau 2020 là một nội dung quan trọng, cần được thúc đẩy thảo luận trong năm 2017. Đối thoại đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực về tầm nhìn, khung thời gian, mục tiêu, nội hàm hợp tác, các bước cụ thể để xây dựng tầm nhìn. Kết quả của Đối thoại cùng các khuyến nghị của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) sẽ là cơ sở để chuẩn bị cho việc hình thành tầm nhìn APEC hướng tới năm 2020 và tương lai.

Thứ ba, Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực đã thông qua Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là kết quả quan trọng đầu tiên ở cấp Bộ trưởng của Năm APEC 2017, dự kiến sẽ trình lên các Lãnh đạo APEC. Là sáng kiến của Việt Nam trong vai trò chủ nhà, Khuôn khổ được kỳ vọng góp phần vào các nỗ lực của APEC về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu mới về công nghệ số, triển khai các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng và bao trùm.

Thứ tư, các cuộc họp đã rà soát, thúc đẩy việc triển khai các chương trình dài hạn của APEC, đặc biệt là Chương trình hành động riêng của từng thành viên nhằm triển khai Chương trình nghị sự APEC mới về cải cách cơ cấu; Kế hoạch tổng thể Kết nối APEC; Lộ trình APEC về nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ; Tuyên bố Lima của APEC về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Nhiều đề xuất mới gắn với bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 đã được thảo luận và thúc đẩy. Nổi bật là đề xuất xây dựng “Kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC”, với mục tiêu tạo điều kiện để mọi người dân đều được thụ hưởng một cách đồng đều các lợi ích của tăng trưởng và liên kết. Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và khoa học công nghệ đang tạo ra những thách thức mới về khoảng cách phát triển, chuyển đổi việc làm, nguy cơ bị gạt ra ngoài tiến trình toàn cầu hóa các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bị bỏ lại phía sau… Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều sáng kiến khác về hợp tác chuyên ngành.

Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017. Những kết quả đạt được tại Hội nghị SOM 2 sẽ là cơ sở quan trọng để các thành viên APEC tiếp tục thảo luận ở cấp làm việc cũng như tại các Hội nghị Bộ trưởng sẽ diễn ra trong những tháng tới bao gồm Hội nghị Bộ trưởng P hụ trách T hương mại tại Hà Nội từ ngày 20 – 21/5 .

Với việc đăng cai tổ chức các hoạt động APEC lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác ở khu vực như Diễn đàn APEC, là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài các sáng kiến đã nêu, tại các cuộc họp lần này, trong vai trò chủ nhà, 6 b ộ, ngành của Việt Nam đã đảm nhận vai trò chủ tịch, đồng chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác hoặc chủ trì các hoạt động, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng.

Trong dịp này, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức: Các quan chức cao cấp thăm Nhà sàn Bác Hồ, các đại biểu Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương tham quan Sapa... Với các hoạt động này, thành phố Hà Nội cùng nhiều địa phương đã giới thiệu đến bạn bè APEC những nét đặc sắc của phong cảnh, văn hóa, con người, tiềm năng thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam.

TTXVN/Tin Tức
APEC 2017: Học hỏi kinh nghiệm để có lộ trình phù hợp trong cải cách thuế
APEC 2017: Học hỏi kinh nghiệm để có lộ trình phù hợp trong cải cách thuế

Trong khuôn khổ tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Hội nghị quan chức Tài chính cao cấp APEC (SFOM) diễn ra trong hai ngày 18-19/5, tại Ninh Bình thảo luận về bốn chủ đề ưu tiên của năm APEC 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN