Đưa tiếng Thái, tiếng Mông vào giảng dạy

Nhằm thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã mời nhóm tác giả có kinh nghiệm, hiểu biết về văn hóa dân tộc biên soạn nội dung tài liệu dạy tiếng Thái, tiếng Mông. Dự kiến nội dung này sẽ đưa vào giảng dạy trong năm học 2014 - 2015 ở các lớp 6, 7 tại các trường THCS của địa phương. Tuy nhiên đến nay, nội dung, chương trình tiếng Thái, tiếng Mông vẫn còn gây nhiều tranh cãi.


Tại hội thảo xây dựng chương trình tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh lớp 6, 7 cấp THCS diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng: Không nên đưa “Tục cướp vợ” của đồng bào dân tộc Mông vào giảng dạy trong chương trình vì phong tục phản ánh hiện tượng không bình đẳng giới, không phù hợp với lối sống mới và đối tượng học sinh. Ngoài ra, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn của đồng bào dân tộc Mông. Thay vào đó là “lễ đặt tên đệm” cho đàn ông Mông khi đã có gia đình, hiện vẫn đang tồn tại.


Cũng có ý kiến cho rằng: “Tục cướp vợ” của dân tộc Mông là một trong những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào, không nên cắt bỏ nội dung này. Đối với nhóm biên soạn nội dung tiếng Thái cần bổ sung thêm chuyện “Táy pusk sấc” - Bước đường chinh chiến của cha ông và nét văn hóa ở những ngôi nhà sàn Thái cổ. Bên cạnh đó, việc dịch nghĩa cần được chú trọng và chuyển nghĩa để tránh những nét nghĩa tương đồng giữa các dân tộc nằm trong cùng một hệ ngôn ngữ Tai-Kadai và đối với dân Xinh Mun thuộc hệ ngôn ngữ Mon - Khmer. Cùng đó, nội dung tài liệu cần có bản dịch song ngữ đi kèm giữa tiếng địa phương và tiếng Việt. Đối với nội dung, nhóm biên soạn đưa khung chương trình với thời lượng 70 tiết học cho mỗi chương trình, nhưng chưa có tiết ôn tập và kiểm tra. Theo bà Nguyễn Thị Quy, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo (Điện Biên); chương trình học không thể thiếu được các tiết ôn tập và kiểm tra. Nếu đưa các tiết ôn tập và kiểm tra vào trong chương trình thì một số bài học sẽ phải sử dụng thành bài học thêm hoặc cắt bỏ. Và cũng cần có bổ sung thêm những tiết kiểm tra ngữ pháp và cấu trúc câu của học sinh.


Ông Lò Ngọc Duyên, đại diện nhóm tác giả biên soạn nội dung chương trình sách nhóm tiếng Thái cho rằng: Nội dung được chia làm 140 tiết cho mỗi chương trình. Trong đó, thời lượng của mỗi khối lớp là 70 tiết, mỗi tiết không quá 45 phút gồm 11 chủ đề: Lịch sử dân tộc và truyền thống văn hóa, âm nhạc truyền thống, văn học dân gian, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống, lễ hội, phong tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, bản làng văn hóa, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc thiểu số tại Điện Biên, dân tộc thiểu số trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh bản làng, quê hương. Với sự bó hẹp của thời lượng và chương trình không thể đưa hết tất cả các đề tài để đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, nội dung vẫn phải đảm bảo với tính lôgic của vấn đề theo dòng chảy lịch sử từ ca dao đến tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, trường ca, truyện thơ và sử thi. Điều mà nhóm tác giả quan tâm đó là tính khoa học và vừa sức đối với học sinh.


Nội dung chương trình biên soạn tài liệu dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh lớp 6, 7 cấp THCS là bước tiếp theo sau khi Điện Biên đưa chữ Thái, chữ Mông vào dạy trong chương trình lớp 4, 5 tại một số trường tiểu học, và nội dung chương trình cấp THSC đi sâu vào nội dung chương trình các môn học, nhằm cung cấp cho các em về một số nét đẹp văn hóa Thái, Mông ở Điện Biên.


Hương Muộn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN