Đưa việc thương lái nước ngoài mua nông sản vào khuôn khổ

Thời gian qua, thương lái nước ngoài đã có nhiều “chiêu” thu mua nông sản Việt Nam với số lượng lớn, sau đó họ“biến mất” một cách kì lạ. Không ít nông dân đã thua lỗ nặng do gom nông sản nhưng rồi không bán được. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi sở công thương các địa phương yêu cầu lưu ý về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, ông Võ Văn Quyền (ảnh), Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.

 

 


Thưa ông, thời gian qua, thông tin về việc các thương lái nước ngoài vào Việt Nam thu mua một số loại nông sản được dư luận rất quan tâm với nhiều ý kiến lo ngại. Bộ Công Thương có ý kiến gì về vấn đề này?


Trước hết, cần nhìn nhận trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu giao thương nông sản giữa các nước, trong đó có Việt Nam là bình thường. Tuy nhiên, để việc tiêu thụ nông sản được ổn định, bền vững, Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã xây dựng chính sách pháp luật để điều chỉnh hoạt động thu mua và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân theo đúng quy định của luật pháp, bảo vệ quyền lợi cho thương nhân, nông dân; đồng thời đấu tranh với hoạt động thu mua mang tính phá hoại, đầu cơ trục lợi hoặc bất thường.


Vừa qua, có thông tin cho rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương có văn bản gửi các địa phương là không đúng. Thực tế, Bộ vẫn điều hành, chỉ đạo hoạt động thu mua nông sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài thường xuyên từ năm 2012 (thời điểm nóng khi thương nhân nước ngoài thu mua nông sản rộ lên ở nhiều vùng trên cả nước).


Các thương lái nước ngoài thu gom nông sản đã vi phạm quy định nào của Việt Nam, thưa ông?


Dù có hiện diện hay không hiện diện tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài muốn thu mua nông sản của Việt Nam cũng phải đăng ký. Thương nhân không hiện diện thương mại vẫn được hoạt động thương mại nhưng phải được Bộ Công Thương cấp phép. Thương nhân nước ngoài không được trực tiếp mua của người sản xuất mà phải thông qua thương nhân Việt Nam. Nếu vi phạm quy định này, họ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185.


Qua theo dõi trên thực tế, chúng tôi nhận thấy, thương nhân nước ngoài cơ bản đã làm tốt, góp phần giúp xuất khẩu hàng hóa, nông sản Việt Nam ra thế giới. Nhiều doanh nghiệp FDI đã thu mua cà phê để xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, vào Việt Nam thông qua con đường du lịch để mua bán hàng hóa trái phép. Chính bộ phận nhỏ này với cách hoạt động ăn xổi ở thì, chụp giật đã khiến xã hội cảm thấy bất thường. Nhiều đối tượng đã nâng giá mua để thực hiện được mục đích gom nhiều nông sản. Hệ thống liên kết kinh doanh của chúng ta vốn hoạt động theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” bị phá vỡ nên chịu ảnh hưởng tiêu cực. Không loại trừ một số tổ chức vào thu mua mang tính phá hoại, mua những loại rất lạ như móng trâu bò, lá cây này, ngọn cây kia để triệt phá nền nông nghiệp của nước ta.

 

Các loại nông sản mà thương lái nước ngoài thu mua có phải điều kì lạ không, thưa ông?


Lạ hay không là do truyền thống, quan điểm của từng quốc gia. Với mình là lạ nhưng nước khác lại không lạ. Điều này không quan trọng, mà điều quan trọng là việc làm đó của họ có đúng pháp luật hay không? Có được phép thu mua không, thu mua có đúng quy định không? Tất nhiên, nếu nông sản lạ thì mình cần chú ý hơn.

 

Tại sao thương lái nước ngoài vẫn vào Việt Nam thu mua nông sản dù ta đã có quy chặt chẽ về vấn đề này và Bộ Công Thương có giải pháp gì để kiểm soát được tình trạng trên, thưa ông?


Họ vào bằng con đường du lịch, thăm thân, chữa bệnh, tìm hiểu cơ hội kinh doanh nên mình cho phép, thậm chí còn mở rộng cửa. Tuy nhiên, nếu họ đi du lịch thì phải có hành trình, đăng ký tạm trú. Điều này được quy định trong Luật Xuất nhập cảnh, Luật Cư trú. Bởi vậy, lực lượng công an, chính quyền địa phương, thanh tra chuyên ngành cần phải phối hợp với nhau để quản lý các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam theo diện này.


Từ năm 2012 đến nay, việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản Việt Nam đã giảm nhiều về quy mô, thời gian, diện và lượng thu mua. Gần đây, một số hiện tượng bất thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (mấy ngày) rồi lắng xuống. Do được tuyên truyền tốt nên nông dân Việt Nam đã cảnh giác hơn rất nhiều, không còn dễ bị thương lái nước ngoài lợi dụng.

 

Thưa ông, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích người nông dân trong các giao dịch với người nước ngoài?


Hiện nay, hệ thống chính sách đã có như Nghị định 23 của Chính phủ quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động mua bán và hoạt động liên quan trực tiếp, Nghị định 72 quy định về văn phòng chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…


Khi thấy có hiện tượng bất thường, cơ quan chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, kiểm soát ngay. Tất nhiên, không phải cứ thấy thương lái thu mua là ta ngăn chặn, mà phải đưa nó vào khuôn khổ. Nếu họ thu mua đúng quy định thì ta nên khuyến khích; còn không đúng thì các cơ quan chức năng của ta phải có biện pháp xử lý để giúp nông sản của bà con được tiêu thụ với giá hợp lý. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong hoạt động thu mua nông sản tới bà con nông dân để họ hiểu biết, từ đó có cách bảo vệ mình trước những chiêu trò của các đối tượng xấu.


Gần đây có hiện tượng cơ quan chức năng vào cuộc thì thương lái nước ngoài tự rút lui. Ví dụ như chuyện thương lái nước ngoài thu mua lá khoai lang ở Vĩnh Long với số lượng lớn, giá cao. Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra địa bàn để yêu cầu họ xuất trình hợp đồng, giấy tờ… thì họ biến mất, không thu mua nữa. Nếu ta không tuyên truyền tốt thì người dân đã bán lá khoai cho họ rồi.

 

PV(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN