Sau vụ tai nạn máy bay Airbus A400M ở Tây Ban Nha ngày 9/5, ba nước Đức, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/5 đã ra thông báo tạm ngừng bay thử loại phương tiện vận tải quân sự này.
Hiện trường vụ máy bay A400M rơi ở Tây Ban Nha. |
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời một phát ngôn viên quân sự Đức cho biết không quân nước này đã quyết định tạm đình chỉ các chuyến bay thử đối với loại máy bay A400M trong thời gian chờ đợi kết quả điều tra chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn nói trên. Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Đức đã tiếp nhận chiếc máy bay A400M đầu tiên và dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm một máy bay trong năm nay. Cũng theo kế hoạch ban đầu, sau khi hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm, máy bay A400M sẽ được chuyển giao cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, một tai nạn đã xảy ra gần sân bay San Pablo, thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha, khi máy bay A400M lần đầu tiên bay thử nghiệm, khiến 4 trong số 6 nhân viên của tập đoàn Airbus trên máy bay thiệt mạng, 2 người còn lại bị thương nặng. Theo các chuyên gia hàng không, ngay sau khi cất cánh, các phi công đã phát hiện có lỗi kỹ thuật và tìm cách điều khiển quay trở lại, song máy bay không thể tới đường băng và đã đâm vào một đường điện cao thế ở cánh đồng gần sân bay San Pablo.
Trong một diễn biến liên quan, Pháp - quốc gia hiện sở hữu 6 máy bay A400M - ra tuyên bố sẽ chỉ cho phép A400M thực hiện "các chuyến bay khẩn cấp" cho đến khi có thông báo chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra hôm 9/5 tại Tây Ban Nha. Trong khi đó, phát biểu tại buổi nhóm họp hôm 10/5 ở Pháp của các bộ trưởng quốc phòng 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Italy và Tây Ban Nha, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Pedro Morenes cho rằng các quốc gia không nên "kết luận vội vàng", cũng như không nên chỉ trích tập đoàn Airbus khi chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn.
A400M được thiết kế để vận chuyển binh sĩ và hàng hoá, kể cả các xe cơ giới quân sự và máy bay trực thăng, với trọng tải có thể lên tới 37 tấn trên quãng đường bay hơn 3.300km. Đây là loại máy bay vận tải quân sự tầm xa, có thể bay với tốc độ cao và hạ cánh ở những khu vực địa hình không thuận lợi. Cho đến nay, Airbus đã giao loại máy bay này cho 5 nước, gồm Anh, Malaysia, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
TTXVN/Tin tức