Đức hoàn tất đàm phán lập chính phủ tuần tới

Tiến trình đàm phán thành lập một chính phủ cầm quyền ở Đức đang ở giai đoạn then chốt, song Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/11 tuyên bố các bên đàm phán sẽ hoàn tất một thỏa thuận liên minh vào giữa tuần tới.


 

Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel kêu gọi ủng hộ tiến trình đàm phán lập chính phủ tại Đại hội đảng ở Leipzig, bang Sachsen.

 

Thủ tướng Merkel đang hết sức lạc quan về kết quả các cuộc đàm phán, dù hiện còn nhiều vấn đề then chốt và gây tranh cãi mà đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cần phải giải quyết.


Bà Merkel khẳng định liên đảng bảo thủ và đảng trung tả sẽ đi tới một thỏa thuận liên minh muộn nhất vào ngày 27/11 tới. Phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Chúng tôi chủ trương hoàn tất các cuộc đàm phán có thể vào giữa tuần tới. Tôi rất tin vào điều đó". Tuy nhiên, theo một chính trị gia cấp cao thuộc đảng CDU của bà Merkel, các bên tham gia đàm phán hiện vẫn còn tới 110 điểm chưa thể thống nhất. Theo các nguồn thạo tin, các nhóm làm việc trong tiến trình đàm phán có thể đã đưa ra những yêu sách không thực tế nhằm tìm kiếm sự thoả hiệp của đối phương.


Các nhà phân tích cho rằng việc SPD mới đây tuyên bố bỏ ngỏ khả năng liên minh với đảng Cánh tả trong tương lai hay việc lãnh đạo CSU, CDU "dọa" không sợ một cuộc bầu cử mới, chỉ là "đòn gió" nhằm nắn gân đối thủ để giành lợi thế trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, trong trường hợp ba đảng hoàn tất các cuộc đàm phán và đi tới một thỏa thuận liên minh, mọi chuyện có thể sẽ khác nếu các đảng viên SPD nói "Không" với thỏa thuận liên minh này. Đây là điều mà cả Thủ tướng Merkel và ban lãnh đạo SPD không hề mong muốn. Ngay tại Đại hội của đảng trung tả vừa qua ở Leipzig, Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel cũng đã hết lời vận động các đảng viên chủ chốt ủng hộ tiến trình đàm phán lập liên minh. Tuy vậy, trong trường hợp SPD đưa thỏa thuận liên minh ra trưng cầu ý kiến của toàn bộ 472.000 đảng viên và bị bác bỏ, sẽ có bốn kịch bản xảy ra:


Thứ nhất: CDU/CSU sẽ phải tìm kiếm lại liên minh với đảng Xanh, đảng trước đó đã bác bỏ một liên minh như vậy sau hai cuộc đàm phán thăm dò. Lần này, tình thế đã khác và bà Merkel sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn nếu muốn thành lập một chính phủ Đen - Xanh.


Thứ hai: Một chính phủ Đỏ - Đỏ - Xanh, đó là SPD liên kết với đảng Cánh tả và đảng Xanh. Khả năng này cũng dễ xảy ra bởi ban lãnh đạo SPD cũng vừa tuyên bố bỏ ngỏ cách cửa liên minh với đảng Cánh tả, đảng đã hoan nghênh tuyên bố này của SPD, trong khi nhiều chính trị gia hàng đầu của đảng Xanh cũng ủng hộ kịch bản liên kết giữa ba đảng.


Thứ ba: Thủ tướng Merkel sẽ điều hành một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, chắc chắn bà không muốn rủi ro mà muốn có một chính phủ ổn định và tin cậy.


Và khả năng thứ tư là tiến hành một cuộc bầu cử mới. Đây là điều mà không một đảng nào trong năm đảng hiện có chân trong Quốc hội mong muốn. Một cuộc bầu cử mới đồng nghĩa với sự bất ổn, nguy cơ đảng phản đối đồng euro "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) giành được ghế trong Quốc hội, đảng Dân chủ Tự do (FDP) có thể trở lại Quốc hội...


Ngay khi bước vào đàm phán chính thức thành lập liên minh, CDU/CSU và SPD nhất trí sẽ nỗ lực để thành lập một chính phủ trước kỳ Giáng sinh, trong đó bà Merkel sẽ được bầu lại làm Thủ tướng vào ngày 17/12 tới. Liệu nước Đức sẽ có một chính phủ mới trước cuối năm hay đó là một tiến trình phức tạp kéo dài, kết quả các cuộc đàm phán trong tuần tới sẽ cho câu trả lời.


Bài và ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN