Đức ủng hộ giữ lại Hy Lạp trong Eurozone

Ngày 1/7, Quốc hội liên bang Đức đã tiến hành tranh luận về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, trong đó các ý kiến đưa ra đều ủng hộ giải pháp giữ Hy Lạp lại trong Eurozone, coi đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay cho cả Athens lẫn Eurozone. 


Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trả lời phỏng vấn báo chí trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định đàm phán về vấn đề nợ của Hy Lạp có thể tiếp tục sau cuộc trưng cầu ý dân ở nước này về các yêu cầu cải cách. Bà Merkel nêu rõ các đối tác sẽ chờ kết quả cuộc trưng cầu ở Hy Lạp vào ngày 5/7 tới và trước thời điểm này sẽ không có thêm bất cứ cuộc đàm phán nào về chương trình cứu trợ mới cho Athens. Bà cũng cho rằng nên lưu ý tới người dân Hy Lạp cũng như quyền lợi của họ trong mọi cuộc đàm phán tương lai, khẳng định “cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở với Hy Lạp”. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cũng đồng quan điểm với Thủ tướng Merkel, cho rằng người dân Hy Lạp chịu ảnh hưởng nhất do các cuộc tranh cãi và bất đồng giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế trong những tuần qua. Ông cũng khẳng định sẽ không có đàm phán thêm về khủng hoảng nợ của Hy Lạp trong bối cảnh "chưa rõ ràng" hiện nay, ám chỉ cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp tới đây. Hiện cơ hội để các chủ nợ quốc tế chấp thuận các đề xuất mới của Thủ tướng Tsipras đi kèm một số điều kiện của Athens là rất mong manh. Bộ trưởng Schäuble cho rằng đề xuất mới này không rõ ràng và không có cơ sở để tiến hành đàm phán nghiêm túc với Athens.

Trong khi đó, phe đối lập đã lên án bà Merkel quá cứng rắn với Hy Lạp. Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Cánh tả trong Quốc hội Đức, ông Gregor Gysi, đã chỉ trích quan điểm của bà Merkel, cho rằng “mục đích thực sự của nhà lãnh đạo Đức là muốn Chính phủ hiện do đảng Syriza cầm quyền ở Athens sụp đổ” sau cuộc trưng cầu tới. Ông Gysi cho rằng điều này là bất công, trong bối cảnh Pháp và Áo sẵn sàng tiến hành thảo luận với Hy Lạp trước cuộc trưng cầu. Ông cũng cảnh báo khu vực eurozone rút cuộc có thể sụp đổ sau khi Hy Lạp rời khối này. Ông nói: “Nếu có phản ứng dây chuyền dẫn tới sụp đổ đồng euro sau khi Hy Lạp rời khỏi khối, chúng ta chỉ có thể tự trách mình”. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã bác bỏ nhận định này, cho rằng châu Âu đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với thời điểm 5 năm trước, khi khủng hoảng bắt đầu xảy ra ở Hy Lạp. Theo nhà lãnh đạo Đức sẽ là thất bại nếu châu Âu không thể đạt được một sự thoả hiệp trong vấn đề Hy Lạp, song điều đó không ảnh hưởng tới tương lai châu Âu và liên minh của các giá trị châu Âu vẫn vững mạnh.

Trước nguy cơ Hy Lạp phải rời Eurozone, Liên minh ngân hàng Đức cho rằng việc Athens phá sản cũng sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này. Các ngân hàng Đức cho khách hàng Hy Lạp vay khoảng 2,4 tỷ euro, song rất ít ngân hàng nắm giữ các trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp kể từ khi Hy Lạp tái cơ cấu nợ đầu năm 2012. Chính phủ Đức cũng cho rằng ngân sách liên bang Đức về ngắn hạn cũng không bị ảnh hưởng nếu Hy Lạp không thể trả nợ lãi suất cũng như các khoản tín dụng cho các định chế quốc tế và châu Âu.

Trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc chiều 1/7, Thủ tướng Tsipras tuyên bố vẫn sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch vào 5/7, trong đó ông kêu gọi người dân Hy Lạp nói "Không" với cuộc trưng cầu này. Nhà lãnh đạo Hy Lạp một lần nữa lên án bộ ba chủ nợ quốc tế gồm IMF, EC và ECB đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay ở Hy Lạp, đồng thời phê phán những cáo buộc cho rằng cá nhân ông và Bộ Tài chính Hy Lạp muốn đưa Athens ra khỏi Eurozone. Liên quan cuộc trưng cầu ý dân tới, ông Tsipras kêu gọi người dân nước này nói "Không“ với các kế hoạch khắc khổ. Theo ông, nói "Không“ trong cuộc trưng cầu ý dân cũng chính là nói "Không" với sức ép của các chủ nợ quốc tế. Ông cũng cho rằng bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu không có nghĩa muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Nhà lãnh đạo Hy Lạp nêu rõ sẽ không để tình trạng hiện nay tiếp diễn và người hưởng lương, người nhận lương hưu hay các tài khoản tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ không bị ảnh hưởng.



* Ngày 1/7, một nguồn tin ngân hàng Hy Lạp cho biết hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định không nâng trần quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của Athens.


Tin trên cho hay ECB "sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết", và "không có quyết định nào khác" được đưa ra tại cuộc họp của ngân hàng này. Hôm 28/6, ECB đã từ chối tăng khoản cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp - động thái khiến Athens phải đóng cửa các ngân hàng và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn.


Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Slovakia Peter Kazimir thông báo các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã nhất trí sẽ không thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cho tới khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân của nước này về gói cứu trợ gây tranh cãi.



Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)
Hy Lạp gửi đề xuất sửa đổi tới các chủ nợ
Hy Lạp gửi đề xuất sửa đổi tới các chủ nợ

Chính phủ Hy Lạp đã gửi một đề xuất "được sửa đổi" vào phút chót tới các chủ nợ quốc tế của nước này với hy vọng đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN