Do thiếu trầm trọng điều dưỡng nên người bệnh chưa được chăm sóc toàn diện. Ngay tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu và sau mổ thì phần lớn việc chăm sóc bệnh nhân vẫn do thân nhân người bệnh đảm nhiệm.
Thiếu và yếu
Theo quy định của Bộ Y tế, tỉ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh viên (ĐD, HS) phải từ 3 - 3,5 ĐD, HS/1 BS, nhưng hiện chỉ đạt 1,92 ĐD/BS. Ước tính, cả nước còn thiếu khoảng 100.000 ĐD, HS làm việc tại các cơ sở y tế.
Một điều dưỡng viên của Bệnh viện đa khoa Thái Bình trung bình mỗi ngày phải chăm sóc khoảng 30 bệnh nhân. Dương Ngọc - TTXVN |
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có tới 87,5% nhân lực ĐD, HS chưa đạt chuẩn so với khu vực ASEAN. Đến năm 2013, cả nước có 12,5% ĐD, HS có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; trình độ trung cấp và sơ cấp lên tới 87,5% (trong đó, trung cấp là 82,9%, sơ cấp là 4,6%). Trong khi theo quy định, ĐD có trình độ từ cao đẳng, đại học là yêu cầu tối thiểu để được đăng ký hành nghề và được công nhận là điều dưỡng chuyên nghiệp giữa các quốc gia khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.
Thiếu nhân lực ĐD, HS là nguyên nhân khiến 16% bệnh viện Trung ương, 18% bệnh viện tuyến tỉnh và 32% bệnh viện tuyến huyện chưa thực hiện chăm sóc toàn diện đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải nằm bất động cần chăm sóc liên tục. Trong khi đó, từ năm 1993 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản yêu cầu mọi cơ sở y tế và mọi cán bộ y tế đều có trách nhiệm thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện. Các ĐD, HS có trách nhiệm tư vấn, theo dõi, chăm sóc cho người bệnh cả về thể chất và tinh thần, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người trong quá trình điều trị và chăm sóc. Ngoài ra, người điều dưỡng còn có tránh nhiệm chăm sóc vệ sinh cá nhân, chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng, dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho người bệnh…
“Tối thiểu 3 khoa (khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu và sau mổ) phải đủ ĐD thực hiện công tác chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì thiếu ĐD nên nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện được điều này, việc chăm sóc người bệnh vẫn phải cậy nhờ người nhà bệnh nhân”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định.
Tuyển nhiều sợ tốn kém?
ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân của việc chăm sóc toàn diện trong bệnh viện còn hạn chế là do lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm đến đội ngũ điều dưỡng và công tác điều dưỡng.
“Với chính sách tự chủ về tài chính, nên không ít lãnh đạo các bệnh viện không muốn tuyển thêm nhiều điều dưỡng, vì sợ ảnh hưởng đến quỹ lương chung (BV phải lo – PV). Do đó, công việc chăm sóc người bệnh lâu nay vẫn giao phó cho người nhà bệnh nhân”, TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, BS. Trương Tiến Lập, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, cho biết: “Công tác điều dưỡng chiếm 60% chất lượng điều trị người bệnh, song hiện có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ĐD, HS, nhất là Nghị định 43 về tự chủ tài chính, cũng như quan điểm cho rằng ĐD, HS không trực tiếp làm ra kinh tế cho bệnh viện... Các bệnh viện ít quan tâm đến tuyển dụng đủ số lượng ĐD, HS, đặc biệt không muốn tuyển ĐD, HS có trình độ cao vì phải trả lương nhiều hơn so với ĐD có bằng trung cấp, cao đẳng”.
TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Nơi nào giám đốc bệnh viện quan tâm đến công tác điều dưỡng thì nơi đó tình trạng tử vong, sai sót giảm hẳn. Trên thế giới đã có bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa thiếu nhân lực điều dưỡng, hộ sinh liên quan đến tăng tỷ lệ biến chứng, tăng tử vong và tăng nhiễm khuẩn bệnh viện... Song trên thực tế hiện nay tại Việt Nam, ĐD đang phải chịu quá nhiều áp lực khi phải ghi chép hồ sơ, sổ sách quá nhiều, bệnh nhân đông… khiến thời gian chăm sóc dành cho bệnh nhân bị hạn chế”.
Rõ ràng, việc cân bằng giữa lợi ích bệnh viện- bệnh nhân- cán bộ y tế đaang là một bài toán khó đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu đặt người bệnh làm trung tâm thì các bệnh viện cần phải quan tâm hơn nữa đến việc tuyển dụng đủ đội ngũ ĐD, HS. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu chăm sóc toàn diện cho người bệnh; tình trạng nhiễm khuẩn, mất vệ sinh do quá nhiều người nhà bệnh nhân trong bệnh viện khi đó cũng mới mong được giảm thiểu.
Hồng Phúc