Đừng để lễ hội dân gian chỉ còn trong kí ức?

Vốn được coi là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa - lịch sử phong phú của từng dân tộc, lễ hội dân gian đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây chính là kho tàng di sản văn hóa vô giá, tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hóa Việt Nam. Trải qua thời gian, nhiều lễ hội vẫn được gìn giữ và phát triển, nhưng cũng có những lễ hội chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc là việc làm cần thiết, tuy nhiên không chỉ ngày một ngày hai, mà còn cần có chiến lược lâu dài.

Còn, mất những lễ hội dân tộc

Mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có những lễ hội gắn liền với đời sống, tạo nên những không gian văn hóa giàu tính truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Các lễ hội thường hướng đến sự giao lưu tình cảm, vui chơi giải trí và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, nhà nhà no ấm. Bà con dân tộc thường mang chính những sản vật do bà con tự sản xuất được như con gà, gùi lúa đến góp vui trong lễ hội.


Đua ghe ngo truyền thống trong lễ hội Ook Om Bok Sóc Trăng 2010. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội như lễ hội Ook Om Bok của đồng bào Khmer, Tết Ka tê của đồng bào Chăm, lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng phía Bắc... vẫn còn đậm nét truyền thống qua trang phục, cách tế lễ thần linh và các vật tế lễ…

Tuy nhiên, những lễ hội như vậy còn lại không nhiều. Hiện có hàng trăm lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số đang rơi vào tình trạng bị quên lãng hoặc biến tướng, không còn nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội Hoa ban ở lòng chảo Mường Lò (Yên Bái) là một ví dụ. Vốn đây là lễ hội rất có ý nghĩa đối với người Thái vùng Mường Lò, là nơi trai gái gặp nhau, vui chơi, cầu chúc sức khỏe, cầu chúc cho một mùa làm nương mới, nhiều người nghe nói đến lễ hội Hoa ban đã vượt mấy trăm cây số lên Mường Lò với mong muốn được tham dự lễ hội. Nhưng những gì mà họ tìm kiếm chỉ còn là ký ức của những người cao tuổi khi nhớ về lễ hội đặc sắc này. Các thanh niên trẻ thì hầu như không ai biết đến lễ hội Hoa ban.

Sự “biến mất” của lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái vùng lòng chảo Mường Lò, nơi được coi là gốc gác của người Thái khắp vùng Tây Bắc ấy thật đáng tiếc. Ông Lò Văn Biến, một trong số ít người cao tuổi ở Mường Lò có hiểu biết và những ghi chép về lễ hội Hoa ban buồn bã: “Thật tiếc vì bọn trẻ bây giờ không được chứng kiến lễ hội truyền thống ấy nữa".

Tiếc cho những lễ hội đã bị mất, song nhiều lễ hội còn tồn tại cũng đứng trước những khó khăn do điều kiện bối cảnh đời sống văn hóa hiện nay, nhất là sự tác động trực tiếp của mặt trái kinh tế thị trường, sự mở cửa giao lưu, hội nhập quốc tế. Nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào bị mất dần bản sắc. Điển hình như chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), phiên chợ tình nổi tiếng với những cặp tình nhân phong lưu lãng mạn đầy huyền bí, giờ đây đã không còn như xưa. Đến chợ tình giờ đây sẽ phải chứng kiến sự lộn xộn, trong cảnh bụi bay mù mịt.

Các đôi trai gái người Mông, người Giáy mặc quần bò, đi giày tây, tay cầm điện thoại di động liên tục nhắn tin cho nhau, vừa đi vừa ghì cổ nhau đùa cợt. Những chàng trai Mông tay cầm chai rượu và chiếc bát mời mọc tất cả những ai họ gặp... Khâu Vai không còn là nơi tự tình của những đôi trai gái lỡ duyên, mà trở thành điểm hẹn của các cuộc nhậu xô bồ. Tình cảnh này khiến cho du khách đến đây thấy ngán ngẩm và như “bị lừa”, còn những người già sống ở Khâu Vai thì cảm thấy nuối tiếc cho một phiên chợ “độc nhất vô nhị” đang mất dần mà chưa có cách gì cứu vãn được.

Ảnh hưởng của kinh tế thị trường, sự mở cửa giao lưu đang là những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý. Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH,TT&DL) cảnh báo: “Sự chi phối của yếu tố thương mại, yếu tố lợi nhuận trong tổ chức lễ hội đang là một “con sóng ngầm”, đe dọa tới việc bảo tồn giá trị văn hóa cổ truyền và bản sắc dân tộc trong lễ hội của đồng bào các dân tộc mà các cơ quan có trách nhiệm cần phải quan tâm…

Thêm vào đó, do nhận thức chưa đầy đủ, nên ở một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng không đúng với bản chất lễ hội. Ví dụ như việc đồng bào dân tộc tham dự lễ hội lại mặc trang phục của người Kinh, thậm chí có người tham gia vào nghi thức cúng tế cũng không mặc đúng trang phục theo nghi thức lễ hội… làm cho không khí lễ hội chưa thực sự lột tả hết sự thiêng liêng, tính đặc thù, tiêu biểu của lễ hội…”.

Gìn giữ những “bảo tàng sống”

Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có trên 7.039 lễ hội dân gian (chiếm trên 88%). Hầu hết các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nông lịch sản xuất, nghi lễ vòng đời… với nhiều nghi thức, trò diễn độc đáo, đặc sắc. Có thể nói, lễ hội dân gian các dân tộc là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử phong phú, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, trang phục, văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, lối ứng xử… của từng dân tộc; là kho tàng di sản văn hóa vô giá, tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hóa Việt Nam.

Đánh giá vai trò của lễ hội truyền thống trong đời sống các dân tộc thiểu số, ông Hoàng Đức Hậu cho biết: “Khi các lễ hội được tổ chức, không khí các làng bản phum sóc thực sự sống động, đồng bào các dân tộc hồ hởi, phấn khởi khi được trực tiếp tham gia sáng tạo văn hóa, thanh thiếu niên hân hoan tham gia các hoạt động lễ hội, đặc biệt là trong các trò chơi dân gian.

Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, ý thức đoàn kết cộng đồng được nâng cao. Qua việc tổ chức lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của các dân tộc được khơi dậy, giúp đồng bào lựa chọn những yếu tố tiến bộ, phù hợp bảo tồn, phát huy, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, góp phần thực hiện phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trên cơ sở để đồng bào hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích đồng bào các dân tộc chủ động sáng tạo vươn lên xóa đói giảm nghèo, phấn đấu làm giàu”.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2000 - 2005 và 2006 - 2010, Bộ VH,TT&DL đã hỗ trợ phục hồi hơn 50 lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi, các tỉnh đặc biệt khó khăn, tiêu biểu được phục dựng như: "Lễ hội mừng năm mới" của người Giáy ở Mèo Vạc (Hà Giang); lễ hội "Nàng Hai" (Cao Bằng), lễ "Cúng thần rừng" của dân tộc Mạ (Đắk Nông), "Ăn trâu" của dân tộc Êđê (Phú Yên), "Nghinh Ông" (Kiên Giang), lễ hội múa trống đu của nguời Mường (Phú Thọ), lễ hội nàng Han (Thanh Hóa)...

Gần đây có Lễ hội Xên Mường (huyện Mai Châu – Hòa Bình) mới được tổ chức phục dựng vào ngày 10/3/2010 sau hơn 50 năm bị quên lãng đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, 50 lễ hội đó mới là con số rất nhỏ trong số hàng trăm lễ hội khác đã và đang bị mai một.

Tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số là một yêu cầu thực tế và là nhiệm vụ lâu dài của chính quyền các cấp và ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả lễ hội ở địa phương mình, ngành văn hóa cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn lọc, phục dựng hoặc hướng dẫn việc tổ chức lễ hội một cách khoa học, thể hiện đúng đặc điểm, tính chất như trình tự tiến hành lễ hội.

Khôi phục những nghi thức, diễn xướng, trò diễn, trò chơi dân gian thể hiện bản sắc riêng biệt và đặc sắc của từng lễ hội. Loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu làm ảnh hưởng đến nội dung lễ hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho lễ hội dân gian tồn tại và phát triển thông qua việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao điều kiện sống. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô để quản lý, tổ chức lễ hội một cách nhất quán, trên cơ sở tôn trọng các giá trị truyền thống, các yếu tố văn hóa dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc kết hợp với giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giới thiệu đặc sản ẩm thực địa phương, hoạt động dịch vụ cũng phải phù hợp với môi trường văn hóa, ý nghĩa của lễ hội tránh việc biến lễ hội văn hóa thành hội chợ... 

Đây là trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương.

Lộc Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN