Dứt điểm việc giao trả đất của Lâm trường Ngân Sơn

Lâm trường Ngân Sơn, thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, được thành lập từ năm 1993, khi đó thuộc tỉnh Cao Bằng và được giao quản lý, sử dụng rừng cùng đất lâm nghiệp 5.247 ha. Năm 1997, sau khi tách tỉnh, rà soát lại đất đai theo Quyết định 187 của Thủ tướng Chính phủ, lâm trường được UBND tỉnh Bắc Kạn giao quản lý 5.147 ha. Tuy nhiên, năm 2007, thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2007-2015, Lâm trường Ngân Sơn chỉ được giao 2.020 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 3 xã, thị trấn là Nà Phặc, Bằng Vân và Đức Vân. Như vậy, số đất dôi ra Lâm trường Ngân Sơn phải trả lại cho huyện Ngân Sơn để giao cho dân là 3.127 ha. Đến nay, đã hơn 6 năm, Lâm trường Ngân Sơn vẫn chưa giao đất cho huyện, gây bức xúc trong nhân dân.


Căn cứ vào quyết định giao đất của tỉnh Bắc Kạn năm 2007 thì Lâm trường Ngân Sơn phải giao lại đất cho các xã Bằng Vân, Đức Vân và Vân Tùng với diện tích 3.217 ha; trong đó Bằng Vân 991,09 ha, Đức Vân 756,25 ha, Vân Tùng 1.430,76 ha. Số đất phải giao lại này đã được đại diện của các bên liên quan như Lâm trường Ngân Sơn, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ngân Sơn, Hạt Kiểm lâm, cùng đại diện UBND huyện và chủ tịch các xã, thôn, bản lập biên bản xác định mốc giới từ tháng 2/2007, tức là sau khi có quyết định quy hoạch lại đất của lâm trường một tháng.


Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn cho rằng, sở dĩ lâm trường chưa bàn giao đất vì còn liên quan đến lợi ích trên đất và bởi vì trên thực tế UBND tỉnh Bắc Kạn cũng chưa có quyết định thu hồi đất của Lâm trường Ngân Sơn theo quy hoạch mới.


Hơn nữa, đến nay đã có hàng trăm ha đất được lâm trường tổ chức cho người dân trồng rừng theo các dự án của PAM, 661, nhiều diện tích đã đến tuổi khai thác nhưng do còn chưa phân rõ ranh giới cấp đất cho dân và lâm trường, tỷ lệ hưởng lợi giữa người dân và lâm trường cũng chưa được sự đồng thuận của người dân, nên việc khai thác gặp khó khăn. Phía lâm trường và địa phương cũng đã thống nhất được phương án khai thác, là những diện tích trồng theo dự án PAM thì cho dân khai thác toàn bộ, còn diện tích trồng theo các dự án khác thì dân được hưởng 17% đối với cây thông và 15% đối cây keo. Chính tỷ lệ này nảy sinh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp lâm trường với người dân.


Cũng liên quan đến việc hưởng lợi từ trồng rừng, người dân không mặn mà làm cho lâm trường, mà muốn được cấp đất để tự trồng rừng. Vì trồng rừng hiện nay đang được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và công chăm sóc 2 năm đầu, tổng số tiền là 5,2 triệu đồng/ha. Đến tuổi khai thác dân được hưởng 100%, còn nếu làm cho lâm trường, công sức bỏ ra trồng rừng như nhau nhưng khai thác dân chỉ được một tỷ lệ rất nhỏ. Mà lâm trường muốn trồng được rừng vẫn phải cần đến lao động là người dân địa phương, biên chế của lâm trường chỉ có quản lý và kỹ thuật. Đây là vấn đề cần được xem xét, vì Lâm trường Ngân Sơn trong 6 năm qua chỉ trồng được trên 600 ha rừng, trong khi huyện Ngân Sơn mỗi năm trồng 1.000 - 1.500 ha rừng.


Vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, vì sự nghiệp chung là bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường.


Ông Trần Đình Thất, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Giải quyết vấn đề này thuộc thẩm quyền của tỉnh. UBND tỉnh cần có quyết định về việc giao đất cho lâm trường và giao đất cho dân để tiện khai thác những diện tích rừng đã đến tuổi và triển khai việc trồng rừng mới.


Nguyễn Trình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN