“Duyên kỳ ngộ” với văn hóa Thái Mai Châu

“Phải gọi đó là duyên kỳ ngộ”, Kiều Văn Kiên bắt đầu câu chuyện về mình bằng chất giọng Thạch Thất (tỉnh Hà Tây cũ) quê anh.

“Duyên” đầu tiên đến với anh khi còn đang học ở một trường đại học tại Hà Nội. Một lần, lên chơi với bạn học, Kiên gặp và bén duyên với cô gái Khà Thị Lệ, quê ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình).


Chưa một lần đặt chân đến Mai Châu, chưa biết và hiểu gì về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, thế nhưng, tình yêu của hai người dần dần lớn lên và đến năm 2004, hai người quyết định làm đám cưới. “Trên đường đi đến nhà gái để dạm ngõ, chứng kiến những đoạn đèo dốc quanh co, khúc khuỷu của vùng núi cao phía Tây Bắc này, bố mẹ, người thân của tôi cứ lắc đầu quầy quậy, thán phục tình yêu không khoảng cách của lớp trẻ chúng tôi”, anh Kiên tâm sự.

Cưới xong, anh Kiên cùng vợ về Mai Châu sinh sống và có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu quê hương vợ.

Anh Kiên nâng niu chiếc túi thổ cẩm vừa được sưu tầm.


Mới đầu anh cũng chỉ tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Thái để ứng xử với nhà vợ cho phải đạo, đúng lễ nghĩa. Nhưng rồi văn hóa của đồng bào Thái Mai Châu đã ngấm vào người lúc nào không biết.


Đây có thể coi là “cái duyên” thứ hai của anh với vùng đất này. Anh bắt đầu học tiếng nói, chữ viết của người Thái và dành nhiều thời gian hơn để ngồi với người già trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của người dân rồi đến các bản làng để hiểu hơn về những giá trị truyền thống văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái, huyện Mai Châu (Hòa Bình) nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Nâng niu những cổ vật sưu tập được, anh tâm sự: “Tình cờ một lần đến thăm người thân của gia đình vợ, tôi thấy một số đồ dùng săn bắn để trên gác bếp. Thấy lạ, tôi mang xuống xem và tấm tắc khen đẹp.


Chủ nhà thấy tôi quý những đồ vật đó nên tặng lại để làm kỷ niệm. Hỏi các cụ già trong bản, tôi mới biết những thứ này được làm cách đây gần trăm năm về trước, bây giờ rất hiếm thấy trong mỗi gia đình. Từ đó, tôi để ý và dành nhiều thời gian hơn để đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu để sưu tầm, tìm mua lại những đồ vật, vật dụng cũ, cổ của người Thái”.

“Cái duyên” với văn hóa Thái đã gắn cuộc sống của anh với tháng ngày rong ruổi vào những vùng dân cư để tìm kiếm cổ vật. Trong mỗi chuyến đi, anh lại giật mình nhận ra bởi không chỉ có mình anh đang kiếm tìm những hiện vật này mà xuất hiện khá nhiều tay buôn đồ cổ cũng tìm mọi cách để săn lùng. Bên cạnh đó là một đội quân thu mua phế liệu, đổi bán nhôm, đồng len lỏi đến mọi ngõ ngách mua những vật dụng bị hư hỏng, người dân không dùng đến nữa.

Điều mà anh lo lắng nhất là thời gian sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật mang giá trị tinh thần quan trọng, để rồi chúng không bao giờ tồn tại nữa. Thế hệ sau này không thể hình dung được cuộc sống của cha, ông mình đã trải qua như thế nào? Trăn trở với những điều đó, anh tranh thủ sự ủng hộ của người già trong gia đình vợ, tận dụng sự quen biết của những người trong dòng tộc, đồng thời bày tỏ rõ quan điểm của mình cho mọi người biết, hiểu và chia sẻ về mục đích công việc sưu tầm cổ vật của anh.

Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đối với anh và anh không còn nhớ nổi đã bao lần phải ngủ nhờ nhà dân, dắt xe vượt qua con dốc cao khi mưa rừng trút xuống, cũng chẳng nhớ nổi mình đã đến bao nhiêu bản làng, bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu dòng tộc của huyện vùng cao Mai Châu này. Chỉ biết một điều là, sau mỗi chuyến đi như vậy, bộ sưu tập của anh ngày một nhiều lên, phong phú thêm và ý nghĩa hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa là những tri thức về văn hóa của người Thái, của quê hương vợ anh tiếp tục thấm đẫm hơn trong anh.

5 năm qua, anh đã đặt chân đến hầu hết các vùng đất của Mai Châu (Hòa Bình) và nhiều vùng dân cư của các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La. Giờ đây, anh đã có trong tay gần 1.000 cổ vật. Trong số cổ vật đó có 3 cuốn sách đã ố vàng theo thời gian được anh nâng niu, cất giữ cẩn thận. Bởi đó là những cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 100 năm. Chữ viết bằng mực Tàu trên nền giấy bản, gáy của những cuốn sách đã sờn hết, nhiều chữ trong đó bị mờ không còn đọc được nữa.

Còn lại, hầu hết là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái ngày xưa, được anh chia thành từng nhóm như: Bộ đèn, gồm đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời địa chủ; bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch của thầy mo đi cúng. Bộ sưu tập nhạc cụ gồm khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi.


Bộ dụng cụ chế biến lương thực gồm cối xay đá, nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu. Bộ dụng cụ săn bắn hái lượm, gồm bẫy, nỏ, súng chi mai. Bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai… Nếu nhìn toàn bộ số cổ vật này, phần nào ta sẽ hiểu hơn về cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc này.

Bước sang tuổi 35 và trở thành thành viên câu lạc bộ UNESCO - Câu lạc bộ nghiên cứu và bảo tồn cổ vật, anh Kiều Văn Kiên mong muốn một ngày không xa có một mái nhà, một phòng triển lãm riêng để giới thiệu bộ sưu tập hiện vật cổ của người dân tộc Thái Mai Châu (Hòa Bình) nói riêng và dân tộc Thái nói chung với du khách trong và ngoài nước. pAnh Kiên nâng niu chiếc túi thổ cẩm vừa được sưu tầm.

Vũ Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN