Eurozone vẫn bấp bênh sau lời trấn an của ECB

Các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới đồng loạt đi vào quỹ đạo tăng điểm sau cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về việc hỗ trợ đồng tiền của khối.


 

Biểu tình phản đối các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ tại thủ đô Mađrít, Tây Ban Nha ngày 27/7/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Trong bài diễn văn tại Luân Đôn (Anh) ngày 27/7 (giờ VN), Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố, ECB sẵn sàng làm mọi việc nhằm bảo vệ đồng euro vì sự tồn tại của đồng tiền này là “không thể thay đổi được”, đồng thời khẳng định ECB sẽ giữ cho nợ công của các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nằm trong vòng kiểm soát khi vấn đề này cản trở việc ấn định lãi suất thích hợp. Phát biểu của ông Draghi đã làm dấy lên đồn đoán rằng ECB sẽ tiếp tục mua trái phiếu để hạ chi phí đi vay của các chính phủ, đặc biệt là của Italia và Tây Ban Nha.


Lúc 22 giờ 45 (giờ VN) ngày 27/7 trên thị trường New York, các chỉ số chứng khoán chủ chốt Dow Jones tăng 0,76%; S&P 500 tăng 1,04% và Nasdaq tăng 1,08%. Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm, với các chỉ số FTSE (Anh) tăng 0,88%; CAC (Pháp) tăng mạnh 2,09%; DAX (Đức) tăng 1,41%. Trước đó, kết thúc phiên giao dịch cùng ngày ở thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số Shanghai (Trung Quốc) tăng 0,13%; Hang Seng (Hồng Công) tăng 2,02%; Nikkei (Nhật Bản) tăng 1,46%; KOSPI (Hàn Quốc) tăng mạnh 2,62% và S&P/ASX200 (Ôxtrâylia) tăng 1,50%.


Tuyên bố của ông Draghi cũng tác động đến thị trường tiền tệ trong ngày 27/7, với lãi suất vay mượn của các quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ tiềm tàng như Tây Ban Nha sụt xuống dưới 7% và Italia xuống chỉ còn hơn 6%.


Trên thị trường New York lúc 22 giờ 45 (giờ VN) ngày 27/7, giá vàng tăng nhẹ lên 1.620 USD/ounce.


Tại New York lúc 22 giờ 45 (giờ VN) phiên 27/7, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2012 tăng 0,74% lên 90,05 USD/thùng; giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 0,92% lên 107,31 USD/thùng.


Nhưng bất chấp tâm trạng hào hứng trên, chuyên gia Kenichi Hirano thuộc công ty chứng khoán Tachibana Securities trên thị trường Tôkyô cho rằng sẽ không dễ dàng đảo ngược viễn cảnh kinh tế thảm hại của Eurozone trong một sớm một chiều, dù xu thế cổ phiếu lên giá dường như không thay đổi.


Theo giới phân tích, sự ra đi của Hy Lạp rất có thể sẽ kéo theo sự ra đi của các thành viên khác trong Eurozone, đưa Eurozone đến chỗ sụp đổ. Ông Evangelos Venizelos - Chủ tịch đảng Pasok, cựu Bộ trưởng Tài chính của Hy Lạp - thậm chí cho rằng “Hy Lạp ra đi chẳng khác nào Eurozone tự sát”.


T.L


 

Eurozone tiến sát miệng vực
Eurozone tiến sát miệng vực

Cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên một cấp độ nguy hiểm mới, khi ngày 24/7, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hạ triển vọng kinh tế của Đức, Hà Lan, Lúcxămbua từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN