Năm 2013 kết thúc, mục tiêu giảm tai nạn, ùn tắc giao thông mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra đã hoàn thành. Cụ thể, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, nếu các địa phương thực hiện tốt việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với đảm bảo ATGT, TNGT chắc chắn sẽ giảm mạnh hơn nữa.
TNGT giảm ở cả ba tiêu chí
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ - CP (ngày 24/8/2011) của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chuyển biến tốt. Trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao. Nhờ đó, trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm ATGT trên phạm vi cả nước được thiết lập.
Nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ là một trong những giải pháp nhằm giảm TNGT.CTV |
Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được giải quyết. Ba tiêu chí số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương đều giảm mạnh. Liên tiếp từ năm 2012 - 2013, số người chết vì TNGT của cả nước giảm xuống dưới mức 10.000 người, mục tiêu mà trong 10 năm trước đây không thực hiện thành công. Qua đó cho thấy, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra, nhất là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với việc đảm bảo ATGT trong Nghị quyết số 88/NQ - CP phù hợp với thực tế, tính khả thi cao.
TNGT là nỗi lo thường trực của toàn xã hội và luôn tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng phương tiện khi mà hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều, cộng thêm ý thức tham gia giao thông còn hạn chế của không ít người dân. Tuy nhiên, với sự tham gia tích cực của toàn xã hội, với nhiều cách làm, mô hình sáng tạo như: Cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT", cổng trường an toàn, tổ công tác đặc biệt 141, công chức không uống rượu bia buổi trưa và đặc biệt là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với việc đảm bảo ATGT... triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hà Tĩnh... đã góp phần đẩy lùi TNGT.
Chỉ thị số 18 - CT/TW (ngày 4/9/2012) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT...” đã nêu rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị. Thực tế cho thấy, ở đâu người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc, đưa ra tiêu chí đánh giá, phân công trách nhiệm rõ ràng, thì ở đó sự vào cuộc của hệ thống chính trị rất rõ nét, ý thức người tham gia giao thông tốt hơn, số vụ TNGT giảm rõ rệt. |
Tuy nhiên, các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và số người bị thương tuy đã giảm song còn ở mức cao. Nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu xuất phát từ sự buông lỏng quản lý về phương tiện, đăng kiểm, đào tạo lái xe, chưa gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu với việc đảm bảo ATGT.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong năm 2014 tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức để đảm bảo trật tự ATGT, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương với các công tác này. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm, chịu trách nhiệm báo cáo tình hình trật tự ATGT tới Ủy ban ATGT Quốc gia và Chính phủ, tổng kết rút kinh nghiệm tìm ra những giải pháp đột phá để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 88/NQ - CP của Chính phủ về giảm TNGT.
“Nghị quyết số 88/NQ - CP là chủ trương lớn về giảm thiểu TNGT, chống ùn tắc, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Bởi vậy, các cơ quan chức năng phải thường xuyên đôn đốc kiểm tra, thanh tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Nếu chủ trương lớn chỉ nói một lần thì chưa đủ, phải nói nhiều lần, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể. Có như vậy thì Nghị quyết mới đi vào cuộc sống được. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ATGT, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp với nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lái xe vi phạm, xử lý cả người đứng đầu doanh nghiệp
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Năm ATGT 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng xe”, trong đó sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm về đảm bảo ATGT.
Tới đây, việc xử lý vi phạm giao thông sẽ không chỉ tập trung vào người điều khiển phương tiện, mà người đứng đầu các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trong các vụ vi phạm. Việc khoán trắng cho lái xe sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong năm 2014, người lái xe chỉ lo lái xe an toàn mà không phải lo kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, từ Nghị quyết số 88/NQ - CP (ngày 24/8/2011) của Chính phủ, Chỉ thị số 18 - CT/TW (ngày 4/9/2012) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT...” đến Nghị quyết số 30/NQ - CP (ngày 1/3/2013) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18 - CT/TW đều chỉ đạo: Gắn trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời có hình thức kỷ luật, phê bình, nhắc nhở người đứng đầu địa phương, đơn vị để tình trạng TNGT gia tăng.
Năm 2013, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực của Ban ATGT các địa phương, bao gồm: Kế hoạch hoạt động hiệu quả hay không, có kêu gọi được hệ thống chính trị vào cuộc hay không, sự đầu tư của địa phương cho công tác đảm bảo trật tự ATGT, số người bị thương vong do TNGT... nhằm đánh giá chính xác trách nhiệm đảm bảo ATGT của người đứng đầu các cơ quan liên quan ở địa phương.
Đón năm mới Giáp Ngọ 2014, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu kéo giảm từ 5 - 10% số vụ TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ, để thực hiện cam kết với Liên hợp quốc chọn thập kỷ 2010 - 2020 là “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu”, phấn đấu đến năm 2020, số vụ TNGT ở Việt Nam sẽ giảm 50% so với năm 2010.
Tiến Hiếu