Giải quyết vấn đề đất đai và việc làm

Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp với Tây Nguyên cần giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập.

 

Chính sách đặc thù


Theo Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian qua cùng với chính sách phát triển miền núi trong cả nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS. Một nguồn lực lớn từ Chương trình 1, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã được sử dụng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh, định cư cho đồng bào DTTS.

Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đã được triển khai, thực hiện quyết liệt. Nhiều chủ trương, giải pháp đã triển khai nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào; hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm hoạt động ở buôn làng. Nhiều vùng đồng bào DTTS đã xây dựng mô hình liên kết làm ăn với doanh nghiệp có hiệu quả trên cơ sở đất đai, lao động của dân và doanh nghiệp tạo nguồn vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

Phong trào tương trợ, kết nghĩa của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cán bộ, nhân dân vùng đồng bào Kinh với các buôn làng DTTS ngày càng phát triển rộng khắp và trở thành việc làm tự giác. Nhiều nơi hỗ trợ giống, phân bón, lương thực, thuốc chữa bệnh; làm cầu, đường, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho các buôn làng… Thực tiễn cho thấy, sự ổn định và phát triển vùng DTTS đã tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của Tây Nguyên.


Các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về chăn nuôi, tạo việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, đồng thời tháo gỡ dần một số vướng mắc về đất đai trong các dự án nông lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số có đất sản xuất.


Vẫn thiếu đất sản xuất


Tuy vậy, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sáu tháng đầu năm 2013 toàn vùng còn trên 20.000 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích tối thiểu khoảng 12.000ha.


Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cần làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào kinh tế mới, số di cư tự do đang gặp khó khăn, để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do. Quy hoạch và chuẩn bị xây dựng dự án tái định cư theo hướng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, đất đai cho sản xuất và đất ở nhằm tiếp nhận thêm dân địa phương và một bộ phận dân ở vùng khác đến lập nghiệp, trong đó có dân tái định cư của một số dự án thủy điện.


Tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy tinh thần tự lực của người dân để vươn lên xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty, nông trường đóng vai trò đỡ đầu, liên kết làm ăn trên cơ sở đất đai và lao động của dân cộng với vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số.

Quan tâm đầu tư phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp ở các buôn làng, khôi phục các nghề thủ công truyền thống, hỗ trợ giúp đồng bào giảm việc làm nông nghiệp, tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đào tạo, dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Tây Nguyên, mở rộng dạy nghề và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật tại buôn, làng… để người lao động vận dụng các kiến thức kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.


Tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, trọng điểm, trong đó ưu tiên các dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ công tác giảm nghèo, bảo đảm cho tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.


Đi đôi với việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các địa phương cần nắm chắc tình hình để chủ động và phối hợp với các bộ, ngành liên quan cứu trợ kịp thời về lương thực, nhất là lúc giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, kiên quyết không để xảy ra thiếu đói, đồng thời hỗ trợ một số vật tư cần thiết để khôi phục sản xuất.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN