Giảm áp lực chi trả bảo hiểm thất nghiệp - Quy về “một cửa”

Tại các đô thị lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Nam, số người đăng ký thất nghiệp tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Thực tế này đặt các cơ quan triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đứng trước yêu cầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động.


Quy về “một cửa”


Quy trình chi trả trợ cấp thất nghiệp tập trung vào một đầu mối; gắn trợ cấp thất nghiệp với đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động... là những biện pháp mà ngành lao động các đô thị lớn đã và đang triển khai để giúp người lao động thuận tiện hơn trong việc tiến hành các thủ tục hưởng chế độ này của Nhà nước.

Trả trợ cấp qua ATM


Chị Lâm Thị Bình, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, thất nghiệp từ tháng 3/2013. Sau đó, chị đến Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Hà Nội để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong thời gian chưa tìm được việc mới. Đến đây, chị được các cán bộ của trung tâm tư vấn có hai cách để hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) quận/huyện để lĩnh trợ cấp, hoặc đăng ký nhận qua thẻ ATM của Ngân hàng Agribank. “Tôi đã chọn hình thức lĩnh trợ cấp thất nghiệp qua ATM. Bây giờ mạng điện thoại nào cũng có dịch vụ thông báo tài khoản vào số điện thoại nên nếu đăng ký như vậy, khi nào khoản trợ cấp được “bắn” vào tài khoản là mình biết ngay”, chị Bình lý giải.

Đầu tuần, lượng người đổ về đăng kí bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh khá đông.


Không riêng chị Bình, hiện nay, nhiều người lao động thất nghiệp tại Hà Nội cũng chọn cách lĩnh trợ cấp thông qua ATM. Cách làm này thuận tiện ở chỗ: Nếu nhận trợ cấp qua cơ quan BHXH quận/huyện thì người thất nghiệp phải đến lĩnh tiền trong giờ hành chính, còn nếu đăng ký lĩnh qua ATM thì họ có thể rút tiền bất cứ lúc nào.“Để người thất nghiệp thuận tiện trong việc hưởng chế độ chính sách, từ tháng 6/2012, Sở LĐ-TB&XH và BHXH thành phố Hà Nội đã thống nhất tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính khi chi trả BHTN”, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội cho biết. Trước đây, người lao động thất nghiệp phải đến Trung tâm GTVL đăng ký, kê khai rồi sau đó phải về BHXH của các quận, huyện để nhận trợ cấp thì hiện nay, người lao động chỉ cần liên hệ với một đầu mối duy nhất là Trung tâm GTVL để hoàn thiện các thủ tục.


Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN (Trung tâm GTVL Hà Nội), khi triển khai dịch vụ chi trả trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, trung tâm đã phải thành lập riêng một tổ chuyên trách với 4 nhân lực phụ trách những phần việc chuyên về tư vấn thủ tục, trình tự, cấp phát thẻ...


TP Hồ Chí Minh đã áp dụng phương thức chi trả trợ cấp thất nghiệp qua ATM từ năm 2010. Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL thành phố cho biết, hàng ngày trung tâm thống kê số người hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi đến cơ quan BHXH. Trong khi trung tâm làm thủ tục cấp quyết định hưởng trợ cấp thì BHXH làm thẻ ATM, BHYT cho người thất nghiệp. Khi nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cũng sẽ nhận được thẻ ATM, BHYT.“Hiện nay chỉ cần 3-5 ngày sau khi hoàn thiện thủ tục là người thất nghiệp có thể nhận được tiền trợ cấp qua máy ATM”, ông Thắng nói.


Sau Hà Nội, tỉnh Đồng Nai cũng học tập cách làm này của TP Hồ Chí Minh. Với 30 khu công nghiệp, Đồng Nai thu hút lực lượng lao động vô cùng lớn từ khắp nơi về đây làm việc. Từ tháng 9/2012, Trung tâm GTVL tỉnh đã phối hợp với BHXH tỉnh chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua ATM của Ngân hàng Vietinbank.

Người mất việc được hỗ trợ tối đa


Mục đích chính của BHTN là hỗ trợ, chia sẻ với khó khăn của người lao động khi bị mất việc làm, từ đó giúp họ sớm gia nhập lại thị trường lao động. Chính vì vậy, ở Hà Nội, cùng với việc đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, Trung tâm GTVL còn tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người mất việc.


“Tất cả những lao động có nguyện vọng được học nghề đều được trung tâm đáp ứng. Theo đó, trung tâm giới thiệu người lao động thất nghiệp đến những địa chỉ dạy nghề do Nhà nước cấp phép, quản lý”, ông Vũ Trung Chính cho biết. Song song với đó, các cán bộ của trung tâm cũng làm tốt công tác tư vấn đối với doanh nghiệp tuyển dụng và với bản thân người lao động mất việc, giúp kết nối cung - cầu lao động.


Đại diện lãnh đạo Trung tâm GTVL tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, trung tâm đã lập thêm 4 điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp tại các quận, huyện để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người mất việc. Việc cải tiến các bước trong quy trình đăng ký BHTN cũng được trung tâm chú trọng thực hiện, từ khâu đăng ký, nộp hồ sơ, trả kết quả đến thông báo tìm được việc làm mới cho người mất việc. Đồng thời, trung tâm thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Phòng Chế độ BHXH của tỉnh để thực hiện chế độ cho người lao động.


Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Cao Thắng, Trung tâm GTVL thành phố hiện chỉ có 84 người làm công việc đăng ký BHTN cho người lao động. Để giúp người lao động làm thủ tục nhanh chóng, Trung tâm đã huy động nhiều nhân viên từ các phòng, ban khác sang hỗ trợ.


Mạnh Minh - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN